Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) có kết quả kinh doanh lỗ 159 tỷ đồng trong quý III/2021, đây là quý lỗ cao nhất trong lịch sử của PNJ.
>>> Vàng trong nước lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 60,5 triệu đồng/ lượng
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, PNJ đạt doanh thu 877 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9/2021, PNJ đạt 226 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn gần 84% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ ròng tháng 9 là 48 tỷ đồng, giảm tương ứng 151,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng lỗ thứ 3 liên tiếp của doanh nghiệp vàng bạc, đá quý này.
Điểm sáng quý III là doanh thu hoạt động tài chính tăng 4,7 lần lên 3,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm 35% còn 28,5 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm chi phí lãi vay. Đồng thời, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tiết giảm gần 23%.
Dù đã được tiết giảm song chi phí hoạt động vẫn ở mức trên 333 tỷ đồng, nên sau khi trừ chi phí, công ty ghi nhận lỗ trước thuế 193,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 256 tỷ đồng. Sau thuế, công ty ghi nhận lỗ ròng 159 tỷ đồng trong quý III/2021 trong khi cùng kỳ lãi 202 tỷ đồng. Đây là quý lỗ cao nhất lịch sử của PNJ. Trước đó, quý lỗ gần nhất của PNJ là 136 triệu đồng vào quý IV/2015.
Công ty cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh với hơn 77% thời gian kinh doanh bị mất trong quý III. Đến 30/9, có 146 cửa hàng PNJ hoạt động bình thường trở lại theo quy định của Chính phủ và cơ quan chức năng. Trong 2 tuần đầu tháng 10, 94% số cửa hàng toàn quốc quay trở lại kinh doanh, khu vực trọng điểm là TP.HCM cũng mở lại 93% số cửa hàng.
[Giá vàng tăng dựng đứng do đâu?]
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PNJ đạt 12.514 tỷ đồng, tăng 7,2%. Trong đó, kênh bán lẻ tăng trưởng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt doanh số hơn 7.000 tỷ đồng. Doanh thu vàng miếng cũng tăng 13% lên hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu kênh sỉ sụt giảm 6% còn dưới 2.000 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng gần 9 lần lên 13,2 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm mạnh hơn 40% còn 76,8 tỷ đồng (cùng kỳ 130 tỷ đồng). Tuy vậy, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên 1.525 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 726 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Kết quả 9 tháng đầu năm nay, PNJ lãi 576 tỷ đồng sau thuế, giảm 10,2% so với cùng kỳ. Như vậy, với kết quả đạt được sau 9 tháng, PNJ mới hoàn thành gần 60% kế hoạch doanh thu và gần 47% mục tiêu năm lợi nhuận cả năm.
Xét theo kênh, doanh thu kênh bán lẻ 9 tháng duy trì được tăng trưởng 8%, kênh sỉ giảm 6,2% và vàng miếng tăng 13,1%. Biên lợi nhuận gộp tháng 9 đạt 16,2%, giảm so với mức 19,9% cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 18%, cùng kỳ là 18,8%.
Tại buổi gặp gỡ giới đầu tư vào ngày 9/11 vừa qua, lãnh đạo PNJ ước tính doanh số tiêu thụ tháng 10 tăng 12% - 15% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngày 20/10 tăng 10%. Doanh số bán hàng tăng tốc cuối tháng do tâm lý tiêu dùng cải thiện trong bối cảnh nhiều chương trình khuyến mại được tung ra. Mặc dù, tăng trưởng doanh số ở hầu hết cửa hàng (SSSG) khá khả quan, song tại khu vực miền Tây tăng chậm hơn do số ca nhiễm COVID-19 đang tăng cùng với tỷ lệ tiêm vaccine thấp.
Nhìn chung, ban lãnh đạo PNJ cho rằng, doanh thu tháng 10 tăng trưởng tốt hơn dự kiến và vượt trội so với thị trường do chuẩn bị tốt chiến lược cho các kịch bản thị trường và phân khúc khách hàng tương ứng, đồng nghĩa với việc tăng thị phần.
PNJ duy trì kế hoạch kinh doanh 2021 dù nhu cầu đồ trang sức được dự báo không khả quan ít nhất là cho đến nửa đầu 2022. Do nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các sản phẩm không thiết yếu như trang sức, khó phục hồi trong ngắn hạn khi tình hình tài chính bị ảnh hưởng.
Trong kịch bản cơ sở, nhu cầu đồ trang sức có thể cải thiện rõ ràng hơn vào nửa cuối 2022 với kỳ vọng từ việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ thúc đẩy tổng nhu cầu nền kinh tế. Ban lãnh đạo PNJ cho rằng, sự phục hồi sẽ không đồng đều, theo hình chữ K, trong đó phân khúc cao cấp phát triển mạnh nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ trang sức cao cấp (trang sức gắn đá quý) của Việt Nam chỉ chiếm 30% tổng nhu cầu toàn ngành trong khi nhu cầu về trang sức truyền thống (trang sức có hàm lượng vàng cao) chiếm thị phần còn lại. Do đó, khả năng tăng trưởng của mảng trang sức cao cấp mà PNJ đang tập trung vào trong dài hạn rất lớn.
Có thể bạn quan tâm