"Nó (TikTok) được xem là một mối đe dọa an ninh mạng", phát ngôn viên của quân đội Mỹ cho biết.
Theo báo cáo mới nhất, quân đội Mỹ đã cấm các quân nhân sử dụng TikTok trên những smartphone do chính phủ cung cấp. Quyết định này đã được công bố trên trang Military.com. Đáng chú ý, quyết định này đến sau khi mà hải quân Mỹ cũng ban bố lệnh cấm tương tự cách đây vài tuần.
"TikTok được xem là mối đe dọa an ninh mạng. Chúng tôi không cho phép nó có mặt trên điện thoại của chính phủ", trung tá Robin Ochoa, người phát ngôn của Quân đội nói với Military.com.
Cũng theo vị trung tá này, Quân đội không thể cấm quân nhân sử dụng TikTok trên các smartphone cá nhân song họ nhận được khuyến nghị là cần thận trọng khi nhận được các văn bản lạ.
TikTok là mạng xã hội rất phổ biến trong quân đội Mỹ. Trước đó, ứng dụng này từng được quân đội Mỹ sử dụng để tuyển dụng quân nhân.
Đầu tháng 12 vừa qua, Lầu Năm Góc ban hành Thông điệp Nâng cao nhận thức an ninh mạng với nội dung cảnh báo sử dụng Tik Tok có thể kèm theo rủi ro bảo mật tiềm ẩn. Giới nghị sĩ nước này từng yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đánh giá an ninh thương vụ thâu tóm ứng dụng truyền thông xã hội Mỹ Musical.ly của ByteDance – công ty Trung Quốc sở hữu Tik Tok.
Theo Engadget, chưa có bằng chứng rõ ràng về những nguy cơ từ Tik Tok. Tuy nhiên theo trang công nghệ này, về mặt lý thuyết, ByteDance (công ty mẹ của Tik Tok) có thể bị buộc chuyển các thông tin nhạy cảm của binh sỹ cho chính phủ Trung Quốc.
ByteDance đã nhiều lần khẳng định rằng các chính sách và hoạt động của công ty không liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Thậm chí để giúp giới chức Mỹ an tâm, theo Bloomberg, ByteDance đang cân nhắc bán phần lớn cổ phần Tik Tok cho các nhà đầu tư, qua đó không còn nắm quyền kiểm mạng xã hội này nữa.
Trong một phương án khác, ByteDance được cho là cũng đang cân nhắc tách TikTok ra thành một bộ phận riêng và sẽ xây dựng trụ sở chính cho mạng xã hội này tại một quốc khác, thay vì đặt tại Trung Quốc.
Theo nguồn tin từ tờ báo The Wall Street Journal, hiện ByteDance đang tìm kiếm vị trí để xây dựng trụ sở toàn cầu cho TikTok và cân nhắc giữa các quốc gia bao gồm Singapore, Anh hay Ireland để đặt trụ sở này.
Nhiều nhà phân tích thị trường nhận định rằng động thái của TikTok giống như muốn "từ bỏ gốc gác Trung Quốc" của mình để lấy được niềm tin của người dùng và đặc biệt của chính phủ Mỹ.
TikTok là mạng xã hội cho phép người dùng tạo ra các video ngắn, chỉnh sửa chúng bằng âm nhạc và các hiệu ứng đặc biệt, sau đó chia sẻ video bằng tài khoản trong ứng dụng.
Hiện TikTok là mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới về số lượng người dùng, xếp sau Facebook, với khoảng 1,5 tỷ người dùng, trong đó có khoảng 800 triệu người dùng thường xuyên và khoảng 150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày.