Quan hệ tương hỗ và phát triển giữa doanh nghiệp và khởi nghiệp

Nhóm phóng viên 05/03/2020 15:56

79% doanh nghiệp và 78% công ty khởi nghiệp trả lời khảo sát của Unilever Foundry có mong muốn hợp tác với nhau nhiều hơn trong tương lai.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị "Vai trò của Doanh nghiệp lớn/Tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp".

Tại phiên thảo luận thứ hai với chủ đề Những giá trị tạo dựng trong quan hệ tương hỗ và phát triển giữa doanh nghiệp và khởi nghiệp trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến: "Vai trò của Doanh nghiệp lớn/ Tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp" tổ chức chiều 5/3, nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, theo khảo sát của Unilever Foundry, đến năm 2020, các đối tác, mối quan hệ với startup sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với các tập đoàn. 79% doanh nghiệp và 78% công ty khởi nghiệp trả lời khảo sát mong muốn hợp tác với nhau nhiều hơn trong tương lai. Các startup được hưởng nhiều lợi ích, cơ hội, tín nhiệm và nguồn lực từ sự hỗ trợ của những tập đoàn.

nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn - Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

"Điều này chứng tỏ hợp tác với các starup là rất quan trọng và hầu hết các nước đều có những khuyến khích doanh nghiệp đổ vốn vào starup", ông Tuấn cho biết.

Trả lời câu hỏi của ông Phạm Ngọc Tuấn xoay quanh vấn đề quan hệ giữa các startup và các tập đoàn lớn sẽ giải quyết vấn đề gì cho start up và giải quyết vấn đề gì cho doanh nghiệp lớn? ông Lại Bá Ất - Nhà sáng chế Tuabin gió Betz có tốc độ cố định cho biết, hiện nay cá nhân ông đang sở hữu sáng chế về công thức mới tính công suất hoạt động cho tuabin gió từ việc nghiên cứu những lỗ hổng của định luật Betz. Từ đó góp giảm bớt chi phí đầu tư vào các tuabin gió hiện nay cho các startup. 

 ông Lại Bá Ất - Nhà sáng chế Tuabin gió Betz có tốc độ cố định

Ông Lại Bá Ất - Nhà sáng chế Tuabin gió Betz có tốc độ cố định

Ông Ất cũng thông tin, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam cũng nghiên cứu và sở hữu những công nghệ độc đáo, và quan trọng nhất là thông qua việc tìm kiếm sự hợp tác với các doanh nghiệp lớn, những công nghệ mới này có thể góp phần cùng nhau tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới. Đồng thời giúp cho các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có thể ghi tên lên bản đồ khoa học công nghệ của thế giới. 

ông Nguyễn Cảnh Hồng - Chủ tịch hội đồng doanh nhân Sao Đỏ, Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Eurowindow

Ông Nguyễn Cảnh Hồng - Chủ tịch hội đồng doanh nhân Sao Đỏ, Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Eurowindow

Cũng thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Hồng - Chủ tịch hội đồng doanh nhân Sao Đỏ, Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Eurowindow cho biết, hiện nay, Câu lạc bộ Doanh nhân sao đỏ có gần 100 thành viên, có đóng góp về doanh thu và lao động rất lớn. Vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng là một trong những chủ đề lớn của Hội thảo, đúng nghĩa là vai trò của doanh nghiệp lớn/ tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp.

"Chúng tôi có những phương pháp sáng tạo đổi mới. Về vấn đề thị trường trong đó là thị trường về vốn và thị trường môi trường áp dụng, trong các doanh nghiệp câu lạc bộ rất sẵn nguồn lực để hỗ trợ các starup". - ông Hồng nói.

Để phát huy được 3 chủ thể là nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp và nhà nước, ông Hồng cho biết, ông đồng tình với những ý kiến vừa đưa ra đó là mối quan hệ tổng thể hữu cơ hài hoà.

Có thể bạn quan tâm

  • "Kiềng ba chân" trong thúc đẩy khởi nghiệp

    15:38, 05/03/2020

  • Ba hình thức doanh nghiệp, tập đoàn lớn

    Ba hình thức doanh nghiệp, tập đoàn lớn "tiếp sức" cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

    15:14, 05/03/2020

  • "Lồng ấp" cho khởi nghiệp 

    15:12, 05/03/2020

  • [TRỰC TIẾP] Hội nghị

    [TRỰC TIẾP] Hội nghị "Vai trò của Doanh nghiệp lớn và Tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp"

    13:54, 05/03/2020

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hồng cho rằng vai trò doanh nghiệp là quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.

"Nhà nước chỉ đạo cơ chế cho hoạt động nhưng doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro và cơ chế cho các hoạt động cụ thể", ông Hồng đánh giá.

Qua hội thảo ông Hồng bày tỏ: "Khởi nghiệp đang được nói đến rất nhiều và tốc độ rất nhanh, nhưng chúng ta cần đầu mối. Tôi đề nghị VCCI đứng lên và có một kho/quỹ kết nối và mua những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".

Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Bộ Khoa học và Công nghệ

Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Chúng tôi thường xuyên có những chương trình hỗ trợ, đề tài đổi mới công nghệ. Nếu bạn trẻ muốn tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như Đề án 844 hay một số chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ Khoa học Công nghệ thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp cho các bạn. Với các đề tài dự án mang màu sắc khoa học công nghệ, chúng tôi có thể hỗ trợ tối đa 50% chi phí dự án".

Ông Đích cũng lưu ý, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ mang tính chất là bà đỡ, là "mồi" thôi. Để việc tạo sân chơi bình đẳng còn cần đến sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tiềm năng, là các hiệp hội…

"Ở Bộ Khoa học và Công nghệ chúng tôi có Hiệp hội Khoa học công nghệ, từ góc độ Hiệp hội, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Đích thông tin.

ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn APEC

Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn APEC

Từ góc độ của nhà khởi nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn APEC thông tin: "Nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp hỏi tôi, các doanh nghiệp đi trước có cần các bạn khởi nghiệp không? Tại hội thảo hôm nay, chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi rất cần các bạn. Tập đoàn Apec rất cần các bạn nhưng ở một góc nhìn nào đó, chúng tôi cũng rất khó để có thể gặp được các bạn".

Cũng theo ông Lăng, trước đây, khi APEC cần phần mềm để hoạt động, ông đã liên hệ tới Pay.vn nhưng khi đến thấy phần mềm quá đơn giản.

"Với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp này, chúng tôi sẵn sàng mời gặp để hỗ trợ họ nhưng việc này rất khó khăn. Vậy tôi muốn hỏi lại rằng liệu doanh nghiệp khởi nghiệp có cần đến doanh nghiệp lớn như chúng tôi hay không?", ông Lăng đặt câu hỏi.

Ông Lăng cho biết thêm: "Theo định nghĩa của các tài liệu khởi nghiệp Phương Tây, họ nói rằng khởi nghiệp có nghĩa là sáng tạo nhưng sáng tạo thì rủi ro duy nhất là gì? Tôi cho rằng đó là rủi ro duy nhất là thời gian. Nhiều bạn trẻ nói rằng các bạn thiếu vốn nhưng chúng tôi có những series hỗ trợ khởi nghiệp lên đến con số là 5 triệu USD. Tôi khẳng định rằng ở Việt Nam bây giờ vốn thiếu nhiều chứ 1 hay một vài chục triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng tôi không hề thiếu".

"Cách đây 7 năm thì chúng tôi cũng là con số 0, cách đây 5 năm chúng tôi đã có lãi rồi, doanh số đã tăng rất nhiều, có khi tăng lên đến 100 lần so với ban đầu. 3 năm trước chúng tôi bắt đầu với Condotel, chúng tôi bán được 5.000 căn, chúng tôi giật mình số lượng căn mà chúng tôi bán được còn nhiều hơn cả các doanh nghiệp hàng đầu về bất động sản hiện nay", ông Lăng chia sẻ.

Ông Lăng đánh giá, chúng ta hay nhắc tới khởi nghiệp và sáng tạo, nhưng sáng tạo là gì? Theo ông Lăng, có 2 cách để có thể sáng tạo: Thứ nhất là làm việc theo nhóm, nhưng cái này người Việt yếu. Thứ hai là tiếp theo là sáng tạo đến từ yêu thương và hạnh phúc.

"Tôi vui khi nói phong trào khởi nghiệp, nhưng đáng tiếc phải nói có vẻ chúng ta có chiều rộng nhưng chưa phát triển theo chiều sâu. Các bạn trẻ ở Việt Nam đang thiếu cả kiến thức, thiếu cả giấc mơ và thiếu cả tầm nhìn… ", ông Lăng nhìn nhận.

Kết thúc phần phát biểu của mình, ông Lăng cho biết: "APEC đang thành lập quỹ khởi nghiệp 5 triệu USD, chúng tôi rất mong muốn có sự đồng hành của các anh chị. Chúng tôi cũng rất mong muốn làm các chương trình để có thể đào tạo và hỗ trợ các thế hệ đi sau".

Ông Nguyễn Tuấn Vinh, người sáng lập Sàn giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá Toàn cầ

Ông Nguyễn Tuấn Vinh, người sáng lập Sàn giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá Toàn cầ

Trả lời câu hỏi đã chuẩn bị tâm thế và sự tự tin cho khởi nghiệp? Các bạn trẻ cần gì từ những doanh nghiệp lớn? Ông Nguyễn Tuấn Vinh, người sáng lập Sàn giao dịch xuất nhập khẩu hàng hoá Toàn cầu với hơn 8.000 nhà nhập khẩu từ trên 100 quốc gia với khoảng 70-100 đơn hàng từ các quốc gia mỗi ngày, cho biết mong muốn nhận được tư vấn kết nối với các doanh nghiệp.

“Nhu cầu lớn nhất của chúng tôi hiện nay là triển khai đưa các nhà cung cấp Trung Quốc, Ấn Độ để các nhà sản xuất thiếu nguyên vật liệu có thể kết nối”, ông Vinh cho biết.

ông Nguyễn Đức Cường, TGĐ Cty TNHH Thương mại và sản xuất Hikari P&T Vietnam

Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thương mại và sản xuất Hikari P&T Vietnam

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thương mại và sản xuất Hikari P&T Vietnam – doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ cho biết, vì là nhà cung ứng phụ kiện cho các nhà sản xuất lớn như Canon, do đó bắt buộc khi khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần phải có doanh nghiệp lớn.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần định hướng phát triển của nhà nước. “Cùng với các doanh nghiệp lớn trong nước thì còn có doanh nghiệp nước ngoài, họ đòi hỏi nhà cung ứng phải đạt chuẩn. Do đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phải có nhà máy sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn, điều này yêu cầu vốn lớn, có kế hoạch dài hạn.

Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần có sự định hướng phát triển của cơ quan nhà nước, xác định ngành, lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm phát triển trong tương lai để doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư phát triển phù hợp”, ông Nguyễn Đức Cường kiến nghị.

nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Phát biểu điều phối tại phiên thảo luận, nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Phó Trưởng ban Tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, theo tổng hợp lại, bản thân các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn khi đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được giải quyết 9 vấn đề của họ. Đây không phải là quan hệ 1 chiều. 

Yếu tố thứ nhất, các doanh nghiệp thông qua hỗ trợ khởi nghiệp mang lại cho doanh nghiệp mình một năng lượng tinh thần với khát khao giá trị mới, sẵn sàng chấp nhận thách thức của thị trường và nỗ lực phát triển năng lực nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Thứ hai, giúp doanh nhân tái tạo năng lượng khởi nghiệp trong chính bản thân và cho doanh nghiệp của mình. 

Thứ ba, tự thân các doanh nghiệp trải qua nhiều năm phát triển có nhu cầu tìm kiếm các mô hình kinh doanh sáng tạo mới cho chính doanh nghiệp mình.

Thứ tư, việc trao đổi dẫn dắt các công ty khởi nghiệp là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận và làm giàu hiểu biết với các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Thứ năm, các doanh nhân trưởng thành thông qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội sở hữu mô hình kinh doanh tiềm năng và có cơ hội tăng trưởng đột phá.

Thứ sáu, quá trình này giúp cho việc xây dựng xây dựng năng lực của người sáng lập doanh nghiệp, chính là khoảng thời gian cho doanh nhân dẫn dắt và nắm bắt những ưu thế cạnh tranh, rủi ro mà công ty khởi nghiệp phải đương đầu và triển vọng ngành mình đang phát triển

Thứ bảy, những người khởi nghiệp được dẫn dắt luôn là nguồn nhân lực bổ sung cho sự tương thích, từ đó sớm phát huy hiệu quả, đóng góp vào hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình.

Thứ tám, một xu hướng đang hình thành trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là các doanh nhân thành đạt tìm kiếm các nhà khởi nghiệp trẻ có năng lực chuyên môn và tư duy phù hợp để triển khai ý tưởng, mô hình kinh doanh hỗ trợ, khai thác thế mạnh từ hệ thống kinh doanh của chính mình để phát triển và mở rộng, tái khởi nghiệp

Thứ chín, việc phát triển hệ thống khởi nghiệp, cộng đồng kinh doanh có thêm cơ hội đón thêm những thành công mới và tiếp nhận nguồn lực xã hội mới, giúp cho xã hội phân bổ các nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn.

ông Trần Quang Cường - CEO hệ sinh thái về Nông nghiệp thông minh Nextfarm

Ông Trần Quang Cường - CEO hệ sinh thái về Nông nghiệp thông minh Nextfarm

Góp ý thêm về vấn đề này, ông Trần Quang Cường - CEO hệ sinh thái về Nông nghiệp thông minh Nextfarm cho biết, theo ý kiến cá nhân, có hai bài toán các doanh nghiệp khởi nghiệp cần được hỗ trợ giải quyết. Thứ nhất là bài toán về vốn, tín dụng. Điều này rất cần với các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Bài toán tiếp theo là dùng các sản phẩm của doanh nghiệp Việt. "Qua trao đổi, rất mong các doanh nhân đi trước, có trách nhiệm nào đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt trẻ phát triển trong những giai đoạn đầu tiên như việc thông qua quá trình làm khách hàng", ông Cường nói.

ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái

Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái cho biết, khi các bạn có ý tưởng khởi nghiệp mà đi tìm ngân hàng ngay thì sẽ chẳng ai cho vay. Nhưng nếu ý tưởng hay mà tiếp cận doanh nghiệp thì khả năng được hỗ trợ thực tế sẽ tốt hơn.

"Chúng ta có thể đưa ra rất nhiều ý tưởng nhưng vấn đề là những ý tưởng đó có thực sự ứng dụng vào cuộc sống hay không. Doanh nghiệp họ quan tâm tới tính khả thi và tính thiết thực của dự án khi đầu tư", ông Đoàn cho biết.

Về chuỗi cung ứng, theo ông Đoàn nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ nhìn vào chuỗi cung ứng trong nước thì chưa đủ. Bởi Việt Nam chỉ là một khu vực thị trường nhỏ trong bối cảnh thế giới rất rộng mở.

4.PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp

PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp

Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp cho rằng, chúng ta mới nhìn khởi nghiệp ở thanh niên mà cần nên nhìn rộng cả những người có nhu cầu khởi nghiệp ở độ tuổi lớn hơn. Ý tưởng khởi nghiệp không chỉ đến với người trẻ tuổi mà cả những người trưởng thành.

Bản thân các doanh nghiệp phải có những ý tưởng đổi mới ở ngay trong lúc lãnh đạo doanh nghiệp của mình. Một doanh nghiệp phải thay đổi nhiều lần trong quá trình hoạt động để thích nghi trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Vậy, giá trị mà doanh nghiệp lớn mang đến cho doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp là như thế nào? ông Quân đặt câu hỏi và cho rằng, bản thân các doanh nghiệp đang tồn tại phát triển, họ cũng muốn có những ý tưởng để đổi mới sáng tạo phục vụ cho thị trường của chính họ. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải đồng hành cùng doanh nghiệp lớn để phục vụ khách hàng. Nhiều khi lợi ích của doanh nghiệp đạt được ở ngay một khâu sáng tạo đổi mới nào đó trong hoạt động sản xuất của chính doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Có mặt tại phiên thảo luận, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin: "Tôi là người đã dành 2 năm vừa qua để tập trung về việc nghiên cứu chính sách, trong đó có các chính sách dành cho khởi nghiệp. Tôi có thể quan sát được chuyển động từ phía cơ quan chính quyền trong các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp".

Theo ông Tuấn, chúng ta đã có Nghị quyết hỗ trợ kinh tế tư nhân và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng nhiều chính sách khác để có thể phát triển kinh tế tư nhân. 

"Nhiều người hỏi tôi, nhà nước cần làm gì để có thể hỗ trợ doanh nghiệp?", ông Tuấn thông tin, và cho rằng: "Điều tốt nhất là đừng làm gì, Nhà nước đừng "làm phiền" doanh nghiệp là tốt lắm rồi. Nhà nước nên giảm sự can thiệp trực tiếp vào thị trường, làm cho và để cho thị trường hoạt động hiệu quả".

"Ở Việt Nam, tôi cho rằng có hai doanh nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất tới khởi nghiệp đó là Google, Facebook. Tôi tiếp xúc khá thường xuyên với hai doanh nghiệp này, tôi khuyến khích họ công bố một số báo cáo về sự phát triển của kinh tế tư nhân trên Facebook và Google. Tuy nhiên, họ không đồng ý", ông Tuấn nói.

Cho rằng Việt Nam đang dần dần hình thành một tầng lớp doanh nhân tác động lớn đến các ngành hàng và tác động đến toàn bộ nền kinh tế, ông Tuấn hi vọng sẽ hình thành tới tầng lớp kinh doanh lớn hơn, tạo giá trị cho xã hội.

Về vai trò của VCCI, ông Tuấn cho rằng nhiệm vụ của VCCI trong thời gian tới là tập hợp và phát triển phong trào khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp tục phát triển.

Xuất phát từ doanh nghiệp nói chung, kể cả các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đã hoạt động lâu trên thị trường.

Bà Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật Lawpro

Bà Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật Lawpro

Bà Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật Lawpro chỉ ra hai điều lo lắng thường gặp của các doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh. Trước hết là chưa am hiểu về kinh doanh.

“Hiện phần lớn chúng ta làm kinh doanh có 5 vấn đề phải am hiểu, điều đầu tiên là am hiểu thị trường. Nhưng các bạn khởi nghiệp đa phần không xác định được mình cung ứng cho ai, mình nằm ở đâu trong chuỗi, do đó nhanh chóng khai sinh rồi khai tử”, bà Nga chia sẻ.

Do đó, vị Luật sư đề xuất các doanh nghiệp lớn cần chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kế hoạch phát triển 5-10-20 năm để các doanh nghiệp Startup biết và có thể xác định sẽ phát triển trọng tâm điều gì, phát triển ở khâu nào trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lớn.

“Cái yếu và thiếu hiện nay của Startup là thiếu và yếu thông tin, dẫn tới một chút biến động có thể bị "bẻ gãy" và "nuốt chửng"”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo bà Nga, điều lo lắng thứ hai nằm ở phần bên trong doanh nghiệp, đó là sợ sai, sợ thất bại, sợ mất tiền.

Lấy ví dụ về việc Tổng thống Mỹ luôn có giờ chia sẻ tại các trường học, bà Nga cho rằng cần có những giờ online chia sẻ trực tuyến của các doanh nghiệp lớn với các Startup. “Nhiều Startup không phát triển được hệ thống do trở ngại về vấn đề quản trị điều hành kể cả khi có vốn. Do đó, Startup cần những buổi chia sẻ từ các doanh nghiệp lớn”, bà Nga nói.

Ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Tư vấn Quản lý Liên doanh.

Ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Tư vấn Quản lý Liên doanh.

Chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân trong việc hỗ trợ các startup, ông Trịnh Minh Giang - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Quản lý Liên doanh cho biết, qua thực tế đào tạo, một số startup, khi có vốn vào thì rơi vào tình trạng vỡ trận. Sau khi chuyển đổi mô hình chỉ ươm người, ươm tài năng, sau khoảng 8 tháng, mô hình này đang cho thấy thành công khi tạo dựng được một cộng đồng tài năng.

Lấy ví dụ từ câu chuyện của Singapore, ông Giang cho rằng đất nước này tập trung phát triển con người rất mạnh, con người làm startup phải giỏi từ gốc. Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, các startup được học thêm rất nhiều, hoặc trong quá trình học thêm họ thiếu gì có thể tìm đến các mentor hoặc thuê các nhà tư vấn. Ở Singapore, chính quyền chi 50% tiền tư vấn cho các doanh nghiệp trẻ. Các công ty tư vấn tại Singapore hoạt động rất mạnh do có 50% tiền của nhà nước.

"Do đó, nếu nhà nước chưa có tiền đầu tư thẳng vào startup nên có những khoản đầu tư, hỗ trợ cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Và những hỗ trợ đó cũng cần thoáng, không có nhiều quy trình, rào cản", ông Giang kiến nghị. 

TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu & Đào tạo Doanh nhân APEC

TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu & Đào tạo Doanh nhân APEC

TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu & Đào tạo Doanh nhân APEC cho biết, chúng ta đang bị lẫn giữa khái niệm doanh nhân và doanh nghiệp. Chúng ta hiện đang có 700 doanh thương (những người kinh doanh kiếm lời) còn doanh nhân chúng ta phải hiểu còn bao gồm cả nghĩa xã hội.

Giữa doanh nghiệp mới khởi nghiệp và các doanh nghiệp lớn có cần nhau không? ông Khanh đặt câu hỏi và cho rằng: "Vừa cần vừa không vì phải gặp ý tưởng mới cần nhau còn nếu không thì sẽ không thể cần nhau".

Từ thực tế, ông Khanh khuyên các bạn trẻ hãy đi theo các doanh nhân để xem cách họ làm hơn là học họ. "Chu kỳ của sản phẩm rất ngắn và nếu không đổi mới sáng tạo và chỉ rập khuôn thì sẽ chết rất sớm", ông Khanh cho biết.

Ông Khanh cũng đánh giá, doanh nghiệp lớn có tầm tư duy rất lớn. Còn các doanh nghiệp khởi nghiệp thì đang để ý những cái nhỏ hàng ngày.

"Nhà nước có vai trò “bà đỡ” rất lớn. Các cố vấn là để gắn kết các ý tưởng với các doanh nghiệp lớn", ông Khanh cho biết.

Bổ sung thêm nội dung tại phiên Thảo luận, bà Đoàn Thu Nga – Giám đốc Công ty Luật Lawpro cho biết: các chính sách của Nhà nước phải nhất quán và ổn định với những gì đã ban hành.

"Doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong muốn được study tour với các doanh nghiệp lớn để họ có thể nhìn thấy và tiệm cận được với những gì thực tế nhất và cảm thấy được truyền cảm hứng để khởi nghiệp tốt hơn", bà Nga nói và cho rằng một sự lãng phí nguồn lực hiện nay các nhà khoa học rất lớn, có rất nhiều dự án nghiên cứu khoa học nếu chúng ta kết nối được thì rất tốt.

Ông Lê Văn Quân, Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội

Ông Lê Văn Quân, Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội

Ông Lê Văn Quân, Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hà Nội cho biết: "Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp. Về phía sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, thời gian qua Sở cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo".

"Tôi cũng đồng tình với quan điểm rằng để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển tốt thì doanh nghiệp lớn có vai trò vô cùng to lớn, đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng phát triển. Tôi cũng rất tâm đắc với câu nói của ng Phạm Đình Đoàn: Doanh nhân thành công mà không đi chia sẻ kinh nghiệm, không dẫn dắt thì không thể gọi là thành công. Do đó, vai trò của doanh nghiệp đi trước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là vô cùng to lớn. Tiếp theo là hình thành thật nhiều không gian hỗ trợ khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp có được bệ đỡ tốt nhất", ông Quân nói.

Kết luận phiên thảo luận, ông Phạm Đình Đoàn cho rằng: Trước hết, các doanh nghiệp lớn cần nhận thức rằng việc kèm cặp các doanh nghiệp khởi nghiệp không đơn thuần là hỗ trợ mà phải coi đó là trách nhiệm.

Thứ hai, cũng cần có sự phân vai rõ ràng để tính hiệu quả cao hơn. Trong đó, trách nhiệm hỗ trợ là của doanh nghiệp lớn, Nhà nước cũng có trách nhiệm quan trọng.

“Nhà nước có nhiều tiền lực để hỗ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi đi nhiều nước như Hàn Quốc đã xây dựng trung tâm hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp, khi nào cảm thấy đủ tiềm lực doanh nghiệp khởi nghiệp mới cần ra khỏi trung tâm đó”, ông Đoàn nhấn mạnh, đồng thời khẳng định sự hậu thuẫn của Nhà nước cho doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm cả về cơ chế chính sách và vật chất, hạ tầng.

Thứ ba, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần ý thức được phải chủ động độc lập tìm tòi các nguồn hỗ trợ, chuẩn bị cho mình hành trang. "Tuy nhiên để doanh nghiệp lớn và Startup có thể gặp được nhau cần chất keo dính giữa 2 bên, VCCI nên đóng vai trò kết nối doanh nghiệp lớn tập đoàn lớn với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời tổng hợp đề xuất gửi đến Chính phủ ", ông Đoàn kiến nghị.

Ông Đoàn cũng cho biết: “Chúng tôi mong muốn một đất nước có thế hệ kế tiếp đáng tự hào, chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quan hệ tương hỗ và phát triển giữa doanh nghiệp và khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO