Bối cảnh VUCA đòi hỏi sự sẵn sàng, khả năng phản ứng nhanh từ doanh nghiệp gắn với tư duy, suy nghĩ đa chiều, tiếp cận linh hoạt trong chiến lược của lãnh đạo.
>>Doanh nghiệp xác lập mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số
Quản trị chiến lược hiệu quả đòi hỏi sự mềm dẻo, vừa khai thác, vừa khám phá tri thức mới, sẵn sàng cho những thay đổi của thị trường trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, chiến lược ngày nay cũng đòi hỏi sự tham gia và nỗ lực của toàn đội ngũ trong suốt quá trình, chứ không phải công việc riêng của ban lãnh đạo hay ban chiến lược.
Hoạt động xây dựng chiến lược của doanh nghiệp ngày càng thách thức. Các nhà lãnh đạo đối mặt với nhiều nhân tố biến động như hành vi khách hàng, nhân lực, công nghệ, khủng hoảng chính trị, biến động kinh tế, xã hội, thị trường trên toàn cầu.
Theo Báo cáo hiện trạng dịch vụ khách hàng toàn cầu 2018, thì 60% khách hàng kỳ vọng cao hơn về trải nghiệm cũng như chất lượng sản phẩm/dịch vụ so với một năm trước. Họ cũng sẵn sàng thử sang thương hiệu khác nếu chất lượng và trải nghiệm tốt hơn. Mức độ trung thành của khách hàng đang giảm đi, đặt ra vấn đề các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp để tạo ra giá trị khác biệt.
Trong vài tháng qua, Meta đã cắt giảm tới hơn 11.000 nhân sự. Twitter đã sa thải khoảng 50% lực lượng lao động. Các ông lớn công nghệ sa thải nhân viên cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường, sẽ có ảnh hưởng đến ngành IT trên toàn cầu.
Tình hình chính trị thế giới phức tạp cũng tác động đến thị trường và nền kinh tế trong nước, có thể kể đến các vấn đề giá dầu, nguyên vật liệu, chuỗi cung ứng. Theo Tạp chí công thương, giá khí đốt tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bối cảnh thị trường tác động sự chuyển đổi trong tư duy xây dựng chiến lược. Khác với trước đây, các nhà lãnh đạo xây dựng chiến lược dài hạn, trong bối cảnh dự đoán được, ít có sự thay đổi. Nhưng hiện tại, xây dựng chiến lược đòi hỏi phải ưu tiên xây dựng khả năng thích ứng hơn là lập kế hoạch, sẵn sàng phản ứng với những thay đổi của thị trường và khách hàng.
>>Doanh nghiệp công nghệ số trong bước chuyển tăng tốc
Thứ nhất là xu thế thay đổi chiến lược cứng sang mềm. Môi trường kinh doanh ổn định, các kế hoạch chiến lược được vạch ra và phê duyệt trong khoảng thời gian vài tháng, sau đó được thực hiện trong ba hoặc năm năm. Bối cảnh biến động đòi hỏi thay đổi tư duy trong xây dựng chiến lược từ cứng sang mềm, phi tuyến tính.
Sự linh hoạt của chiến lược thể hiện rõ thông qua quy tắc phân bổ theo trọng tâm 70-20-10. Trong đó, 70% các nhà lãnh đạo tập trung khai thác thị trường thế mạnh, 20% phân bổ khám phá các cơ hội thị trường, chuẩn bị năng lực đón nhận những cơ hội kinh doanh mới, 10% cho phát triển hệ sinh thái hợp tác tạo ra sự phát triển bền vững.
Các CEO cho rằng 40% giá trị công ty họ tạo ra từ việc khám phá thị trường mới và tìm ra mô hình kinh doanh mới, số liệu từ Bain and Company. Các nhà lãnh đạo hình thành tư duy khám phá để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thị trường mới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Thứ hai là xây dựng và thực thi kế hoạch chiến lược diễn ra liên tục. Đặc trưng của bối cảnh biến động, sự liên tục trong điều chỉnh, theo sát thị trường là yếu tố quyết định sự thành công. Các nhà lãnh đạo tập trung vào 2 vấn đề: điều chỉnh chiến lược liên tục gắn với diễn biến của thị trường và nâng cao hiệu quả thực thi. Điều quan trọng là giải quyết 2 vấn đề này cần gia tăng sự tham gia của các thành viên trong tổ chức.
Xây dựng chiến lược trong bối cảnh VUCA, giống như mô hình ở trên, là quá trình hoạch định kế hoạch, triển khai và điều chỉnh liên tục, bắt từ đầu từ sứ mệnh, tầm nhìn và xác định mục tiêu chiến lược của tổ chức. Từ đó, triển khai hành động xem xét các yếu tố về nguồn lực của tổ chức và mong muốn của khách hàng để mang đến giá trị khác biệt. Những định hướng chiến lược được đưa ra cần được kiểm tra bằng thực tiễn và phản ứng từ thị trường, sau đó có giải pháp điều chỉnh lại phù hợp.
Mô hình xây dựng chiến lược theo OKR khuyến khích tư duy quản trị từ dưới lên, đẩy mạnh tương tác, và tính linh hoạt. Mô hình này thúc đẩy sự tham gia ý kiến và sự chủ động của toàn bộ đội ngũ nhân sự.
Theo nghiên cứu của HBR, 89% các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng các thành viên công ty có sự tham gia và nhận thức về một mục tiêu chung sẽ thúc đẩy thực thi chiến lược hiệu quả hơn. Quản trị chiến lược không thể tách rời đội ngũ, nhằm thúc đẩy 3 đặc tính: Tính chủ động, Tri thức và Sự sáng tạo, trong xây dựng và triển khai chiến lược.
Nhìn chung, quản trị chiến lược ngày nay đòi hỏi các nhà lãnh đạo truyền đạt hiệu quả đến các thành viên chủ chốt giúp mọi người nắm được mô hình kinh doanh và quy trình thực hiện để có thể chủ động đề xuất ý kiến cũng như tham gia vào quá trình. Lãnh đạo xây dựng chiến lược dựa trên sự nhạy bén thị trường, kinh nghiệm và định hướng phát triển. Hơn nữa, triển khai gắn với thực tiễn đòi hỏi có vai trò của đội ngũ quản lý các cấp. Lắng nghe ý kiến đa chiều giúp điều chỉnh hoàn thiện chiến lược tốt hơn…
Có thể bạn quan tâm