Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vừa đưa ra bảng giá quảng cáo trong chương trình Táo Quân 2021 với mức kỉ lục - 650 triệu đồng cho 30 giây/lần phát sóng.
Cụ thể, đơn giá quảng cáo cho khung thời gian 30 giây trong chương trình Táo Quân là 650 triệu đồng. Nếu xuất hiện với thời gian ngắn hơn từ 10, 15 đến 20 giây, số tiền nhãn hàng phải chi tương ứng là 325, 390 và 487,5 triệu đồng.
Mức giá quảng cáo này cao hơn nhiều (tăng 62,5%) so với chương trình Gặp nhau cuối năm năm 2020. Năm ngoái, mức giá tối thiểu để nhãn hàng phát sóng quảng cáo trong chương trình thay thế Táo Quân là 200 triệu đồng cho thời lượng 10 giây và cao nhất là 400 triệu đồng cho 30 giây.
Nhiều ý kiến cho rằng bảng giá quảng cáo này khá cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, lần tăng giá này của nhà đài không hẳn là không có lý do.
“Táo quân” kể từ khi lên sóng năm 2004 đã trở thành trở thành món ăn tinh thần thu hút hàng triệu khán giả vào đêm 30 Tết. Năm ngoái, Táo quân chuyển sang format mới, gần như là lần “tạm biệt” đã gây hụt hẫng cho nhiều khán giả.
Chiều 11/01, Fanpage của VTV đăng thông báo Táo quân tiếp tục lên sóng, ngay lập tức thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ. Rõ ràng sức nóng của Táo quân đã được nhân lên sau một năm ngắt quãng. Đây chính là cơ hội “vàng” để các nhãn hàng tiếp cận đông đảo công chúng.
Năm 2020 cũng không phải là một năm “bình thường”, với nhiều biến động xảy đến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khán giả, vào ngày cuối năm, sẽ muốn nhìn lại một năm đầy sóng gió. Nhà đài, năm nay họ có đủ “chất liệu” để làm nên một kịch bản đặc sắc.
Như vậy, với lần Táo quân này, TVAd hoàn toàn tự tin để tăng giá quảng cáo. Sức nóng của Táo quân 2021 không hề kém cạnh trận bóng nam chung kết SEA Games 30 giữa Việt Nam và Indonesia cách đây hơn một năm - 950 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo.
“Đắt xắt ra miếng”
Nhiều doanh nghiệp không ngại chi tiền để xuất hiện trong các chương trình đông đảo người xem. Họ “chi đậm”, và nhận lại “cũng nhiều”.
Sau đêm chung kết C1 lịch sử năm 2011, người ta không chỉ nhớ đến cú trượt chân trước cổng thiên đường của ManU hay lối chơi tiki taka đầy kỹ thuật của Barca, mà còn là cái tên “đầy ám ảnh”... Kangaroo.
Chỉ trong vòng 15 phút nghỉ giữa hai hiệp đấu, Kangaroo phát đi 1 clip quảng cáo vỏn vẹn 5 giây với nội dung “Kangaroo – Máy lọc nước hàng đầu Việt Nam”, lặp lại tới hơn 50 lần trên kênh sóng của đài truyền hình quốc gia. Nhiều người đã cho rằng đây chính là quảng cáo “thảm họa” cần tránh của mọi nhãn hàng.
Kết quả, trái với lo ngại nhãn hàng sẽ bị tẩy chay, doanh thu năm đó của Kangaroo vẫn tăng 4 lần so với cùng kỳ 2010, bất chấp nhiều công ty cùng ngành phải hoạt động cầm chừng vì kinh tế khó khăn.
Tốc độ phát triển mạng lưới đại lý, nhà phân phối trên toàn quốc cũng tăng mạnh lên 3.500. Các mặt hàng của tập đoàn này cũng có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị, đại siêu thị trên toàn quốc.
9 tháng đầu năm 2020, Kangaroo tiếp tục cho thấy hiệu quả kinh doanh tiếp tục tăng với 1.844 tỷ đồng doanh thu thuần, 175 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 4% và 111% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Kangaroo tiết lộ “cái giá phải trả năm đó” cực lớn, tương đương với một năm quảng cáo của doanh nghiệp cỡ vừa.
Tại Mỹ, chương trình Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ Super Bowl là chương trình truyền hình được theo dõi nhiều nhất, với hơn 100 triệu người xem.
Năm 2019, nhà đài yêu cầu 5.25 triệu đô cho một quảng cáo kéo dài 30 giây, mức giá kỷ lục trong lịch sử phát sóng chương trình.
Pex - đơn vị phân tích video và âm nhạc đã nghiên cứu quảng cáo của 28 thương hiệu lớn xuất hiện trước, trong và sau trận cầu trên 24 nền tảng video và mạng xã hội, bao gồm Amazon, Pepsi, Toyota, Old Spice,...
Kết quả cho thấy mặc dù trận cầu có phần buồn chán dẫn đến lượng khán giả trên truyền hình thấp hơn dự kiến, với khoảng 98,2 triệu người xem; tuy nhiên, các quảng cáo trước và sau trận lại vô cùng thu hút khán giả.
Trước ngày Chủ nhật diễn ra trận đấu, 28 quảng cáo được theo dõi đã được xem hơn 130 triệu lần trên kênh Youtube chính thức của Super Bowl. Vào Chủ nhật, có 45 triệu người xem quảng cáo. Bất ngờ là vào tuần kế tiếp, các quảng cáo được ưa thích liên tục được nhiều người xem lại và tạo hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội. Đạt độ phủ rộng như vậy là ham muốn của bất kỳ nhãn hàng nào.
Nhìn chung, quảng cáo trong các chương trình hút khách của nhà đài luôn là kênh “tốn tiền” của các nhãn hàng. Chỉ những đơn vị có thực lực và chịu chi mới có khả năng lên sóng. Táo quân năm nay, không biết nhãn hàng nào sẽ được xuất hiện. Hy vọng với số tiền quảng cáo “khủng” như trên, quảng cáo của họ cũng đủ ấn tượng để trở thành những hiện tượng mới.
Có thể bạn quan tâm