Mặc dù số lượng lao động hồi hương tránh dịch là rất đông, tuy nhiên tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể tìm ra cách để thu hút ở lao động ở lại quê nhà bởi sức hấp dẫn từ mức lương thành thị là quá lớn.
Các địa phương đều muốn giữ chân người lao động ở lại quê hương để phát triển kinh tế, tuy nhiên người lao động lại không muốn vậy.
Khó tại mức lương?
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính từ tháng 7/2021 đã có hơn 1,3 triệu lao động ở các đô thị lớn đã về quê tránh dịch. Số này chưa bao gồm dòng người hồi hương sau khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách và các địa phương đang nỗ lực để giữ chân người lao động ở lại quê nhà.
Tại tỉnh Quảng Nam, địa phương này đã ghi nhận hơn 10.000 người lao động trở về từ vùng dịch. Trong bối cảnh hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã và đang tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm để tìm phương án hỗ trợ cũng như thu hút bộ phận người hồi hương.
Tuy nhiên, số lượng người chọn phương án ở lại với quê hương rất ít so với lượng người muốn quay lại với các đô thị lớn. Theo lý giải của nhiều người, cách sống và mức lương chính là vấn đề mà người lao động quan tâm.
Anh Nguyễn Tấn Phúc, 23 tuổi trú tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho biết sẽ quay trở lại TP Hồ Chí Minh để làm việc ngay sau khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh. Theo anh Phúc, mức lương tại TP Hồ Chí Minh (hơn 17 triệu) cao hơn nhiều so với quê nhà. Cho nên, sau chi tiêu người lao động vẫn dư được một khoản để dành hoặc gửi về cho gia đình.
“Ở quê thì công việc không mang lại mức thu nhập ổn định và rất khó để có dư. Nếu làm tại các khu công nghiệp thì mức lương cũng chỉ đủ sống hoặc dư không đáng kể. Do đó những người lao động chân tay như chúng tôi thường chọn TP Hồ Chí Minh để làm việc, nếu sau này đủ điều kiện có thể trở về quê để ổn định cuộc sống”, anh Phúc chia sẻ.
Trong số ít người lao động muốn được hoạt động kinh tế tại quê nhà, người dân muốn được địa phương hỗ trợ việc làm có mức lương ổn định đủ để trang trải cuộc sống. Bộ phận người lao động cho rằng sau một thời gian làm việc tại các công ty, kinh nghiệm làm việc đã có phía tuyển dụng cần xem xét đến mức lương cao hơn thử việc. Hoặc có thể, người lao động muốn được vay vốn để phát triển các ngành nghề tại quê hương.
“Sau gần 10 năm làm may mặc việc tại Bình Dương, những công nhân như chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối với ngành nghề. Do đó, phía tuyển dụng có thể nên tăng mức lương đầu vào để người lao động yên tâm hơn trong công việc. Không nên thử việc 3 tháng xong mới trả lương như lao động bình thường”, chị Nguyễn Ánh Tuyết, một lao động hồi hương cho biết.
Địa phương khó giữ chân người lao động
Vừa qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cũng đã tiến hành khảo sát việc làm đối với những lao động hồi hương trong các khu cách ly. Tuy nhiên, tại kết quả khảo sát số người muốn ở lại quê hương làm việc làm rất ít.
Phần lớn, người tham gia khảo sát đều trả lời rằng sẽ quay lại TP HCM và các tỉnh phía Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài những nguyên nhân về mức lương và cách sống đã nêu, phần lớn người lao động cũng đã có nhà, công việc cố định tại nơi làm việc nên rất khó để rời bỏ.
Ngoài các tỉnh phía Nam, hiện nay cũng đang có khoảng 56.000 lao động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng làm công nhân. Vì việc đi lại thuận lợi, có thể về nhà trong ngày nên người lao động dễ dàng tìm được công việc phù hợp.
Đối với lực lượng người lao động hồi hương tránh dịch, tỉnh Quảng Nam đã lên phương án để hỗ trợ việc làm trong thời gian tới. Qua đó, địa phương này thể hiện mong muốn tuyển lao động từ phía Nam trở về để phát triển kinh tế trên địa bàn.
Được biết, hiện tại tỉnh Quảng Nam đang có 9 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp. Ngoài ra, còn có hơn 100 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đang cần tuyển gần 17.000 vị trí việc làm. Trong đó, các mức lương tuyển dụng lao động từ phổ thông đến trình độ đại học cũng sẽ có nhiều ưu đãi khác nhau. Tuy nhiên, câu chuyện "giữ chân" người lao động hiện nay là rất khó.
Trước đó, ông Lê Huy Tứ, Trường Phòng Lao động – Việc Làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết đơn vị đã trình UBND tỉnh Quảng Nam về các phương án thu hút người lao động làm việc tại quê nhà. Trong đó, tỉnh Quảng Nam có thể trực tiếp hỗ trợ việc làm hoặc chỉ đạo các địa phương hỗ trợ việc làm cho người lao động.
“Sở cũng có văn bản gửi đến các huyện cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp để từng địa phương nắm bắt. Để tận dụng tốt nguồn nhân lực quý này, Sở đã có động tác tham mưu, dự thảo các công văn để UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kết nối, tìm việc làm cho người lao động. Thông qua đó, có thế giữ chân được người lao động ở lại làm việc tại quê hương để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Lê Huy Tứ cho hay.
Có thể bạn quan tâm