Lựa chọn, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, hướng đến vùng “hạt nhân” nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu của nông nghiệp Quảng Ngãi.
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi luôn duy trì ở mức khá, bình quân 4.5%/năm. Tuy nhiên, con số này đến hầu hết từ việc mở rộng diện tích đất canh tác, hay lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất… Do đó, mặc dù sản lượng nông nghiệp tăng, nhưng chất lượng sản phẩm lại không cao. Đây cũng là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Có thể bạn quan tâm
20:59, 02/07/2019
19:25, 02/07/2019
17:07, 02/07/2019
16:30, 02/07/2019
Thực tế, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp. Đơn cử như, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2017, tổng nguồn vốn bố trí 781 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 18% so với nhu cầu. Trong khi đó, nông nghiệp lại đóng góp 14-17% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) toàn tỉnh.
Đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ thấp, thiếu ổn định mà còn bất hợp lý. Đơn cử như lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thay vì đầu tư liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ, hoặc đầu tư vào lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, thì một số đơn vị chỉ tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại. Do vậy, dù trên danh nghĩa là hợp tác làm ăn, nhưng một số doanh nghiệp không xem nông dân là đối tác, mà là đối tượng làm công nên nông dân không được hưởng lợi nhiều từ sự hợp tác này.
Ông Hồ Trọng Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi nhận định, nền nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đang đối mặt với 4 vấn đề. Đó là: Sản xuất nhỏ lẻ, không theo chuỗi; cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ; mức độ cơ giới hóa thấp; phát triển theo số lượng và chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung, không kiểm soát được chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dẫn đến chi phí sản xuất cao nhưng giá trị cạnh tranh thấp.
Vì vậy, Quảng Ngãi cần tập trung đầu tư nguồn lực, hướng đến xây dựng vùng “hạt nhân” nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, sẽ lựa chọn, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc thù, tập quán canh tác của người dân... từng vùng, địa phương.
Ông Phương cho rằng, bên cạnh nguồn vốn thì diện tích đất sản xuất của ngành nông nghiệp cần phải được “quy về một mối”, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư, áp dụng các công nghệ thâm canh và nuôi trồng hiện đại.
Ngoài ra, một trong những điều kiện quan trọng để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chính là dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Có dồn điền đổi thửa mới hình thành được những vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa các khâu từ sản xuất đến thu hoạch. Điều này không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và đảm bảo độ đồng nhất về chất lượng, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; mà còn thu hút doanh nghiệp doanh nghiệp đầu tư, hình thành chuỗi liên kết. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh chưa thực sự được quan tâm, nguồn lực đầu tư hạn chế, nên các địa phương “ngại” triển khai thực hiện.
Để nông nghiệp 4.0 trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế, Quảng Ngãi cần quan tâm tạo điều kiện để thương mại hóa công nghệ; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận công nghệ, quảng bá sản phẩm. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua việc hình thành các trang trại ở những vùng được chỉ định và có khả năng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, khuyến khích hoạt động nông nghiệp theo hợp đồng, khắc phục tình trạng nông hộ nhỏ không tiếp cận được đầu vào và dịch vụ nông nghiệp, góp phần “chính thức hóa” mối liên hệ giữa nông hộ nhỏ với ngành chế biến thực phẩm.