Dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh.
Du lịch “đóng băng”, XNK cầm chừng
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh gồm: Xuất nhập khẩu (XNK), du lịch, vận tải, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh COVID-19.
Ông Trần Văn Hồng, Chi hội phó thường trực Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết, Các đội tàu đón khách Trung Quốc đã bị giảm gần như 100%, trong khi số lượng khách Trung Quốc là nguồn khách chủ lực trên tàu tham quan, chiếm đến 70% số lượng khách quốc tế. Từ đó khiến đội tàu du lịch bị sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng. Từ tết đến giờ, các khách đến từ các nước cũng hạn chế, khách trong nước thì không có.
“Đối với các đội tàu du lịch trong tỉnh (hơn 500 tàu), hiện nay trên 4.000 lao động vẫn phải trực, doanh nghiệp vẫn phải trả lương trong khi đa số các tàu không hoạt động”, ông Hồng cho biết.
Chị Vũ Thị Vân, quản lý nhà hàng Hương Lan chia sẻ, tác động là rất rõ. Chỉ vài ngày sau khi dịch bệnh bùng phát, số khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc gần như bằng không. Cửa hàng của chị từ Tết Nguyên đán đến giờ không có khách, từ ngày 12/3 thì chính thức tạm nghỉ để tránh nguy cơ có thể lây lan dịch bệnh theo kêu gọi của tỉnh. “Mọi việc đang rất khó khăn”, chị Vân than vãn.
Có thể bạn quan tâm
16:42, 11/03/2020
20:28, 08/03/2020
18:06, 08/03/2020
11:35, 05/03/2020
04:10, 29/02/2020
Theo bà Nguyễn Thị Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, thì thông thường tháng 12 tới tháng 4 là mùa cao điểm khách quốc tế, nay do dịch bệnh đã suy giảm mạnh. Thị trường chủ chốt là khách Trung Quốc giảm gần 100%, thậm chí có lúc các dòng khách chi trả cao như: Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… phần lớn đã hoãn hoặc hủy tour.
Bên cạnh du lịch, XNK cũng không kém phần khó khăn. Hiện nhiều hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Móng Cái, địa phương biên giới tiếp giáp với Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh. Sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ, người lao động không tới làm việc, nhất là đối với những doanh nghiệp có sử dụng lao động kỹ thuật người Trung Quốc. Các hoạt động giao thương mặc dù đã được thông quan trở lại nhưng vẫn hạn chế và chỉ ở mức cầm chừng do diễn biến của dịch bệnh.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Doanh nghiệp Móng Cái, trên 1.000 doanh nghiệp tại Móng Cái có tổng số người lao động tham gia đóng BHXH là 7.553 người, phải duy trì trả lương khoảng 500-600 tỷ đồng/tháng.
Trung bình, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới bị tồn 20 container hàng hóa sẽ phải trả 5 triệu đồng/ngày/container, nếu dịch kéo dài doanh nghiệp sẽ phải trả 3 tỷ đồng/tháng, chưa kể phí sử dụng hạ tầng, vận tải đã nộp nhưng chưa có doanh thu bù đắp.
Giải pháp của Quảng Ninh
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ sàng lọc tất cả ý kiến của doanh nghiệp theo từng nhóm ý kiến để tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh xem xét và giải quyết các vấn đề. "Đồng thời, những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành Trung ương chúng tôi sẽ kiến nghị với tỉnh để báo cáo các cấp có thẩm quyền có phương hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp", ông Thể nói.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện một số giải pháp kích cầu như: Tặng vé tham quan Vịnh Hạ Long cho du khách, sớm họp bàn với các doanh nghiệp để thống nhất giải pháp kích cầu; xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch cũng như các ngành nghề kinh doanh khác cùng nhau vượt khó.
Cùng với đó, chủ động thực hiện đủ các điều kiện để thông quan cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm Km3+4 và cửa khẩu Hoành Mô, đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại, trước mắt giải quyết khó khăn cho những doanh nghiệp XNK để giải tỏa số lượng hàng hóa đã lưu kho kể từ khi phát hiện dịch bệnh.
Thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị một số doanh nghiệp logistic hỗ trợ tiền thuê kho bãi, giảm chi phí bốc xếp đối với các doanh nghiệp trong thời gian vẫn ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, phối hợp với các ngành liên quan tìm giải pháp hỗ trợ và tìm hướng ra cho các mặt hàng nông sản như: Hầu, tôm, ngao hai cùi, trứng gà...
Những giải pháp trên, không những giúp cho doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, mà nó còn là “liều thuốc” tinh thần, là động lực để mỗi doanh nghiệp có thêm niềm tin vào chính quyền, quyết tâm cùng chung sức với cả hệ thống chính trị “vượt ải” COVID – 19.