Mặc dù du lịch đã được phục hồi, tuy nhiên đại dịch COVID-19 vẫn để lại những ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực này, trong đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực.
>>Du lịch Quảng Ninh: Bao giờ cho đến... ngày xưa?
“Trôi dạt” vì COVID
Nhằm khôi phục nhanh hoạt động du lịch, Quảng Ninh đã đưa ra thông điệp "Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn - Sẵn sàng đón bạn trở lại". Mục tiêu của tỉnh này là đón trên 10 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Trước đại dịch thì con số nói trên là quá đơn giản với Quảng Ninh, bởi thực tế đã có nhiều năm ngành du lịch của tỉnh đạt hơn chục triệu lượt khách.
Nhưng “sóng COVID” ập tới và lan tỏa hầu hết các quốc gia, hoạt động du lịch toàn cầu "đóng băng". 2 năm, gần như không một đoàn khách du lịch nước ngoài nào hiện diện ở Quảng Ninh. Sự sôi động đón, trả khách biến mất, Quảng Ninh rơi vào trạng thái hiu hắt, buồn lặng. Đội quân làm du lịch “trôi dạt” mỗi người một nơi để kiếm kế mưu sinh.
Anh Nguyễn Tiến Bình, thuyền trường một du thuyền của công ty Du thuyền Đông Dương chia sẻ. “Công ty từng có trên 200 nhân viên và chủ đơn vị đã tốn không ít tiền để đào tạo được một đội ngũ làm du lịch khá chuyên nghiệp. 2 năm COVID, lãnh đạo cũng đã gồng gánh hết sức để đảm bảo cho đời sống anh em. Nhưng dịch kéo dài đã khiến nhiều người không thể trụ lại. Như chiếc tàu tôi đang làm đây, trước đại dịch là trên 20 người, giờ chỉ còn 5 người. Hiện du lịch mở cửa, công ty cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn nhân lực”.
>>Chống “đứt gãy” nguồn nhân lực du lịch
>>Quảng Ninh: Ngành du lịch “tự cứu mình” bằng xây dựng tour du lịch an toàn
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động thuộc ngành du lịch, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp. Nhưng hiện nay, qua khảo sát số lao động trực tiếp chỉ còn khoảng 16.000 người. Như vậy, đã có gần 10.000 lao động bỏ việc trong hơn 2 năm qua.
Như vây, Quảng Ninh đang đứng trước một thách thức lớn khi mở cửa hoàn toàn du lịch, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu, chuyên nghiệp.
Giải pháp của Quảng Ninh
Để khắc phục sự thiếu hụt nhân lực du lịch, hiện tỉnh Quảng Ninh đang tuyển dụng, bổ sung lao động thông qua kết nối trực tuyến, ngày hội việc làm tại các địa phương, kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở đào tạo nghề để đặt hàng theo nhu cầu. Tiếp tục thu hút học sinh, sinh viên học nghề du lịch, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt là kỹ năng nghề; bố trí sinh viên tham gia phục vụ các hội nghị, hội thảo, sự kiện, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch ở các thời điểm đông khách du lịch.
Tổ chức các lớp, khóa đào tạo ngắn ngày để nhanh chóng bổ sung nhân lực cho các hoạt động du lịch khi mùa du lịch cao điểm đang đến gần. Bên cạnh đó, xây dựng các clip hướng dẫn kỹ năng phục vụ nghề buồng, bàn, bếp, bán hàng, lễ tân... để tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng các đối tượng có nhu cầu. Tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch để vinh danh các doanh nghiệp, lao động tiêu biểu, tạo cơ hội cho người lao động học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó với nghề.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt, về lâu dài ngành du lịch sẽ đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh về kế hoạch đào tạo nhân lực ngành du lịch, để đảm bảo cho ngành phát triển bền vững.
Ông Đinh Trung Vũ, Giám đốc Marketing công ty Du thuyền Hải Đăng chia sẻ: “Tỉnh đã làm rất tốt việc thu hút khách bằng cách xây dựng điểm đến an toàn và những thủ tục nhiêu khê cũng đã được bỏ đi như xét nghiệm, cách ly. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đang được triển khai mạnh mẽ. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với tỉnh một cách tốt nhất có thể để thu hút nguồn nhân lực mới cũng như nguồn nhân lực cũ quay trở lại với những chế độ cao nhất có thể”.
Có thể bạn quan tâm