Quảng Ninh: Phấn đấu phải khắc phục xong các tồn tại về chống khai thác IUU

MINH HUỆ 25/12/2023 00:06

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến tháng 4/2024, toàn tỉnh sẽ đăng ký 100% số tàu đủ điều kiện hoạt động lâu dài, các trường hợp không đủ an toàn thì tiếp tục quản lý chặt chẽ cho đến khi giải bản.

>>>Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA để phát triển

Mục tiêu phải hoàn thành...

Theo ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU : Bám sát chỉ đạo của Trung ương và các ý kiến chỉ ra của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá, thủy sản khai thác, như: Hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, cấp giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm, cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase; mở các đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm.

Trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; xây dựng kế hoạch chống khai thác IUU năm 2024. Đặc biệt là tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định khung pháp lý, quy trình đăng ký tàu “3 không”.

Quảng Ninh tổ chức cưỡng chế các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Quảng Ninh tổ chức cưỡng chế các công trình nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Mục tiêu đặt ra đến tháng 4/2024, toàn tỉnh sẽ đăng ký 100% số tàu đủ điều kiện hoạt động lâu dài, các trường hợp không đủ an toàn thì tiếp tục quản lý chặt chẽ cho đến khi giải bản.

Mới đây, tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU) chủ trì Cuộc họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.

Theo Báo cáo về kết quả chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, sau 6 năm triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU và qua kết quả 4 đợt thanh tra từ Đoàn Thanh tra của EC, tình hình chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” do vẫn còn nhiều tồn tại sau: Còn trên 16.000 tàu cá “3 không” (chưa đăng ký, chưa đăng kiểm, chưa cấp phép); hầu hết các địa phương chưa kiểm soát được chặt chẽ việc đóng mới, cải hoàn, chuyển nhượng tàu cá; mới có 40% tàu cá cả nước được kiểm soát hoạt động, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng; nhiều tàu có vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài... Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” là rất cao.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: Dự kiến tháng 4/2024, Đoàn Thanh tra của EC sẽ thanh tra lần thứ 5 và đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam gỡ "thẻ vàng". Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ nay đến tháng 4/2024, các ban, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU.

Đại diện lãnh đạo Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường TP Hạ Long thông báo Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với HTX Thuỷ sản Rồng Biển (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Đại diện lãnh đạo Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường TP Hạ Long thông báo Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với HTX Thuỷ sản Rồng Biển (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ráo riết thực hiện...

Theo lãnh đạo TP Hạ Long: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, sáng 14/12, TP Hạ Long tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản (NTTS) trái phép trên Vịnh Hạ Long. Những trường hợp bị cưỡng chế bao gồm: Hợp tác xã thủy sản Rồng Biển; ông Vũ Đình Sĩ; ông Nguyễn Đức Việt (phường Tuần Châu).

Đây đều là những trường hợp NTTS trên biển không có giấy phép, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên, gây thiệt hại đến cảnh quan, môi trường thiên nhiên Vịnh Hạ Long.

Trước khi tiến hành tổ chức cưỡng chế, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các công trình NTTS của HTX Thủy sản Rồng Biển và 2 hộ dân nói trên. Đồng thời, đã nhiều lần nhắc nhở, vận động người dân NTTS trái phép trên vịnh Hạ Long tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính, HTX Thủy sản Rồng Biển và các hộ nuôi trồng đã không tự nguyện tháo dỡ công trình NTTS trái phép. Do đó, ngày 11/12, TP Hạ Long đã Thông báo về việc tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với những trường hợp này.

Tại buổi cưỡng chế, các lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình NTTS trên biển vi phạm ở khu vực biển giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng. Dự kiến, thời gian thực hiện cưỡng chế sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Dự kiến, thời gian thực hiện cưỡng chế các công trình NTTS trái phép ở khu vực biển giáp ranh giữa phường Tuần Châu và phường Hùng Thắng sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Đối với những công trình NTTS trái phép khác trên Vịnh Hạ Long, trong thời gian tới, TP Hạ Long sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự tháo dỡ, di dời. Nếu các hộ không tự nguyện tháo dỡ, di dời, thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán 2024 sẽ xử lý xong các công trình NTTS trái phép. 

Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị di dời lên bờ, không cho phép hoạt động (Ảnh: Minh họa)

Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị di dời lên bờ, không cho phép hoạt động (Ảnh: Minh họa)

Theo ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng”, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện những nội dung trọng như: Đến hết ngày 31/12/2023, Sở NN&PTNT phải hoàn thành việc tiếp nhận đăng ký, đăng kiểm cho những phương tiện thuộc thẩm quyền của Sở; tất cả các xã, phường thị, trấn cũng phải tiếp nhận xong hồ sơ đăng ký, đăng kiểm thuộc thẩm quyền của địa phương; đến hết ngày 25/2/2024 phải cơ bản hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm chính thức; phấn đấu hoàn thành đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy trước ngày 30/3/2023 và có kế hoạch ra quân cao điểm xử lý triệt để vào tháng 4/2024.

Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị di dời lên bờ, không cho phép hoạt động. Đồng thời, các lực lượng chức năng (Biên phòng, Kiểm ngư, Công an…), mỗi tuần phải xử phạt ít nhất một tàu cá không có đăng ký, đăng kiểm và làm đến đâu thì tăng cường tuyên truyền đến đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA để phát triển

    Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA để phát triển

    03:59, 24/12/2023

  • Quảng Ninh: Tạo niềm tin mang đến sự hài lòng cho doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Tạo niềm tin mang đến sự hài lòng cho doanh nghiệp

    00:40, 22/12/2023

  • Quảng Ninh: Hút thị trường khách du lịch Trung Quốc

    Quảng Ninh: Hút thị trường khách du lịch Trung Quốc

    07:56, 21/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Phấn đấu phải khắc phục xong các tồn tại về chống khai thác IUU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO