Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định bảo đảm nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
>>>Quảng Ninh: Xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế
Báo động...
Năm 2023, diễn biến thời tiết được dự báo phức tạp. Trong mùa hè tới, nắng nóng có thể kéo dài, gây khó khăn trong việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định. Nhằm giảm thiểu tác động bất lợi do việc cắt điện, mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND "Về việc triển khai ngay các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh". Trong đó, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong cao điểm mùa khô, bảo đảm nhu cầu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang thực hiện các giải pháp để vận hành an toàn hệ thống lưới điện do đơn vị quản lý. Đồng thời tăng cường ứng trực xử lý sự cố 24/24h; có phương án đảm bảo cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng trên địa bàn tỉnh…
Ông Phạm Đình Chấn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết: Để đảm bảo an ninh hệ thống điện trong cung ứng điện trên địa bàn tỉnh khi thiếu nguồn, Công ty đã lập và báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh kế hoạch dự kiến tiết giảm công suất để đảm bảo mục tiêu cao nhất là giữ được sự ổn định KT-XH, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do việc cắt điện gây ra.
Việc tiết giảm chủ yếu đang tập trung ở khu vực khách hàng sinh hoạt. Theo tính toán của Điện lực Quảng Ninh, nếu các khách hàng lớn (doanh nghiệp trong các KCN, các công ty than) thực hiện tiết giảm công suất, điều chỉnh lại kế hoạch SXKD, dừng hoạt động của các dây chuyền đang chạy thử… thì có thể tiết giảm được khoảng 100-150MW/ngày. Điều này sẽ góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện trong bối cảnh hiện nay, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Được biết, tạiQuảng Ninh, nắng nóng đã khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 13-15% so với cùng kỳ năm 2022.. Để đảm bảo an toàn hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) đã yêu cầu điện lực các tỉnh cắt giảm công suất khẩn cấp. Ngày 1/6 vừa qua, A1 đã yêu cầu Quảng Ninh giảm 158,7MW, Hải Phòng giảm 266MW, Thái Bình giảm 146MW... Nếu các địa phương không cắt giảm công suất kịp thời thì Trung tâm sẽ cắt cả lưới 110kV để đề phòng nguy cơ tan rã hệ thống.
Dự kiến nhu cầu tiêu thụ điện của các tỉnh phía Bắc những ngày tiếp theo sẽ tăng cao do thời tiết tiếp tục nắng nóng. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện tiết giảm công suất tiêu thụ điện luân phiên với thời gian dài hơn và việc cắt điện sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 6. Cụ thể từ ngày 4-11/6 mỗi ngày phải tiết giảm 30-40% tổng công suất tiêu thụ toàn tỉnh.
Quyết liệt chỉ đạo
Theo ông Nguyễn Việt Hưng – GĐ Công ty du lịch Việt Hưng cho biết: Việc tiến hành tiết giảm công suất tiêu thụ điện trong mùa cao điểm ở địa bàn trọng điểm về KT-XH, an ninh quốc phòng đối ngoại như Quảng Ninh đã tác động không nhỏ đến tình hình SXKD, đời sống dân sinh, đặc biệt đối với khu du lịch trọng điểm.
Còn theo bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng Phòng Nhân sự, Công ty TNHH Long Đại Thiên cho biết: Công ty đang kinh doanh khách sạn Dragon Legend trên địa bàn phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). Những ngày qua do cắt điện luân phiên và liên tục, nên nhiều du khách e ngại lưu trú dài ngày ở khách sạn.
Một số đơn vị lữ hành buộc phải hủy lịch trình để chuyển sang địa phương khác. Để đảm bảo những điều kiện lưu trú tốt nhất cho khách hàng, chúng tôi đã phải chạy máy phát liên tục, chi phí tốn gấp 3 lần so với sử dụng điện lưới. Bên cạnh sự chia sẻ với ngành Điện, chúng tôi cũng mong ngành Điện thông báo sớm để doanh nghiệp có thể chủ động sắp xếp khách.
Để đảm bảo yêu cầu cấp điện, trong thời gian qua hệ thống các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đã tăng cường giải pháp vận hành, hạn chế tối đa việc dừng sửa chữa bảo dưỡng trừ trường hợp sự cố bất khả kháng.
Ở thời điểm hiện tại 4/7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành tất cả các tổ máy đạt công suất từ 97 đến 100%. Các nhà máy còn lại công suất hoạt động đang ở mức 50 đến 60% do sự cố từ các tổ máy hoặc phải giảm công suất vận hành để đảm bảo nhiệt độ nước làm mát đầu ra theo quy chuẩn môi trường.
Theo ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh: Trước tình trạng thiếu hụt công suất điện tại miền Bắc như hiện nay, đề nghị các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo vận hành an toàn các nhà máy nhiệt điện; chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị, nhân lực để kịp thời khắc phục sự cố (nếu có) đưa các tổ máy vào vận hành phát điện sớm nhất, đáp ứng yêu cầu cao nhất.
Quyết tâm phấn đấu rút ngắn thời gian sửa chữa, đưa vào vận hành kịp thời các tổ máy phát điện đang dừng vận hành sửa chữa trong thời gian sớm nhất, đảm bảo phát 100% công suất.
Với một địa bàn kinh tế trọng điểm như Quảng Ninh, việc cung cấp điện cần có chiến lược, kế hoạch, giải pháp phù hợp và phải tính toán giảm thiểu tác động tiêu cực tới tình hình KT-XH, ANTT, ổn định đời sống nhân dân. Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh tại nhiều cuộc họp bàn giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi do việc cắt điện.
Theo ông Ký đảm bảo an ninh năng lượng là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Bởi vậy cần phải có giải pháp liên thông, tổng thể, từ xa, từ sớm, vận hành theo đúng phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” để đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động bất lợi do cắt cúp điện.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với ngành điện, ngành than và các doanh nghiệp, chủ đầu tư các KCN để bàn giải pháp hướng đến đạt mục tiêu tốt nhất trong bối cảnh thách thức thiếu hụt năng lượng gây ra.
Quảng Ninh cũng liên tục có văn bản báo cáo, đề nghị Bộ Công Thương cho phép các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh được phát hết công suất lên lưới. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phải vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các mỏ than về thủ tục đầu tư, thuê đất, cấp phép, nhập khẩu máy móc thiết bị… Tinh thần của tỉnh là cả chính quyền và doanh nghiệp phải luôn nỗ lực, quyết tâm ở mức cao nhất để dứt khoát ổn định SXKD và đủ than cho sản xuất điện.
Ông Ký nhấn mạnh: Quảng Ninh 6 năm liên tiếp đứng đầu Chỉ số PCI, nhiều năm dẫn đầu các Chỉ số SIPAS, PAR-Index, PAPI, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhưng chỉ khi có hạ tầng năng lượng với nguồn cung cấp ổn định chất lượng đủ độ tin cậy mới tiếp tục cải thiện chất lượng thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Do đó, đòi hỏi người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, nhất là các ngành Công Thương, Du lịch, Than, Ban Quản lý KKT, cần phải phối hợp với ngành Điện bàn những giải pháp tối ưu nhất để trong trường hợp phải cắt điện thì đảm bảo mục tiêu giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động bất lợi, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và trên tinh thần phải đảm bảo công khai, minh bạch.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đòi hỏi sự chung tay, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân. Mỗi doanh nghiệp, người dân hãy thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi trong sử dụng tiết kiệm điện. Mục tiêu cao nhất là giữ được sự ổn định về đời sống sinh hoạt, ổn định về SXKD, giữ được đà phát triển kinh tế, không làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hy vọng, với các giải pháp và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, ngành điện sẽ nỗ lực cùng các đơn vị liên quan bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm