24h

Quảng Ninh: Tăng cường quản lý kinh doanh trên internet

Trung Thành 10/09/2024 00:06

Để ngăn chặn tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên internet, các lực lượng chức năng của Quảng Ninh đã siết chặt quản lý, nhằm góp phần giảm rủi ro cho người tiêu dùng

Chiều hướng gia tăng

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) qua mạng Internet đang ngày phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc lợi dụng hình thức bán hàng này để đăng tải hình ảnh, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn kiểm chứng… lại đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Thực tế này đặt ra yêu cầu các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính.

Theo ngành chức năng, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với TMĐT thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến.

Song, cũng có rất nhiều đối tượng đã lợi dụng TMĐT để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,... đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... công khai, tràn lan trên các website TMĐT và trên các mạng xã hội.

2(4).jpg
Kiểm tra hộ kinh doanh Bùi Văn Đại - có tài khoản facebook là “Duy Đại”, phát hiện, tạm giữ 23 chiếc bao bì pin năng lượng mặt trời có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Seplos (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Chỉ cần mở điện thoại vào ứng dụng mạng xã hội là có thể dễ dàng xem một livestream bán hàng trên facebook hay tiktok với những lời quảng cáo “có cánh”: “hàng chính hãng, xả kho, giảm giá sốc duy nhất chỉ có trong livestream”.

Người xem chỉ cần để lại số điện thoại ngay dưới phần bình luận, hoặc inbox, sẽ được nhân viên tư vấn nhiệt tình, chốt đơn và hàng sẽ giao tận nhà chỉ sau vài ngày.

Chính cách mua hàng nhanh gọn lẹ, “mát tai”, chốt hàng bằng mắt này đã khiến người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, mà bỏ qua chất lượng sản phẩm ảo hay thật, hàng thật hay giả.

Theo ngành chức năng, các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và thường xuyên hơn trên môi trường trực tuyến.

Bà Nguyễn Thanh Doanh – Một đại lý bán hàng OCOP sản phẩm địa phương (Quảng Ninh) cho biết: Hiện nay, tiện ích từ TMĐT đã trực tiếp giúp người bán hàng tiếp cận đối tượng khách hàng một cách nhanh chóng, tiết kiệm các chi phí hơn nhiều với bán hàng truyền thống hay thương mại thông thường. Không chỉ có vậy, người mua còn dễ dàng tìm được các mặt hàng mong muốn, có nhiều lựa chọn cho cùng phân khúc về giá cả, chất lượng, không phải đi lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại thì mua hàng trên nền tảng TMĐT tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Người bán hàng thường lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…) hay bán hàng theo hình thức phát trực tiếp hoặc đăng bán bằng lời, hình ảnh… với các mức giá “sale” kịch sàn.

Điều này đã tác động trực tiếp vào tâm lý mua hàng của người tiêu dùng. Điều đáng nói, nhiều người bán hàng lại chỉ chạy theo lợi nhuận mà bán những sản phẩm không đảm bảo đến tay người tiêu dùng, đã ảnh hưởng đến những cơ sở sản xuất chân chính.

Theo Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 tỉnh Quảng Ninh: Mới đây, ngày 26/8/2024, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra điểm kinh doanh, bán hàng trực tuyến của chị Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1993, chủ tài khoản Tiktok shop Hương Anh Food & Nest có địa chỉ tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long.

Qua công tác kiểm tra, xác minh, từ đầu tháng 8 đến nay, Tiktok Shop Hương Anh đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 chiếc bánh trung thu do nước nước ngoài sản xuất để livestream bán trên tiktok kiếm lời.

Qua kiểm tra, chị Hương khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên được mua từ một người quen trên mạng facebook để bán kiếm lời nên không được dán nhãn phụ theo quy định về nhập khẩu, không có hóa đơn, chứng từ và tài liệu kèm theo; hiện đã bán gần 3.500 sản phẩm trên mạng xã hội tiktok.

Sau xác minh, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản xử phạt 17,5 triệu đồng với chị Nguyễn Thị Thu Hương, về các hành vi không thông báo địa điểm kinh doanh theo quy định, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc nộp lại 13 triệu đồng số lợi bất hợp pháp có được do đã bán hàng số hóa vi phạm trên nền tảng tiktok.

Trước đó, lực lượng QLTT trường tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý và buộc tiêu hủy nhiều trường hợp vi phạm kinh doanh trên nền tảng TMĐT như: Ngày 21/8, Đội QLTT số 1 kiểm tra hộ kinh doanh Bùi Văn Đại, tại thôn 1, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, có tài khoản facebook là “Duy Đại”, phát hiện, tạm giữ 23 chiếc bao bì pin năng lượng mặt trời có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Seplos trị giá 67 triệu đồng.

Tiếp đến, ngày 22/8, qua thẩm tra, xác minh tài khoản facebook “Kính mắt X.T”, tại phường Quang Trung, TP Uông Bí phát hiện 95 chiếc kính mắt thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel và Gucci có trị giá 91.939.000 đồng.

Trước đó ngày 20/8, Đội QLTT số 1 kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Lê Hoàng Anh sử dụng tài khoản Facebook “Xiaohaha - Hòn Gai Hạ Long”, tại số 30, Kênh Liêm, phường Hồng Hải, TP Hạ Long đang bày bán 229 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu và 270 chiếc bánh trung thu nhập lậu với tổng trị giá gần 70 triệu đồng…

Siết chặt quản lý

Thời gian qua ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về lĩnh vực TMĐT. Điển hình như, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều điểm bán hàng qua mạng xã hội facebook, kinh doanh các loại mặt hàng như giày dép, quần áo, mỹ phẩm,… số lượng hàng hóa phát hiện vi phạm hầu hết do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, một số sản phẩm không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ.

1(4).jpg
Các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử phạt hành vi bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, tại điểm kinh doanh, bán hàng trực tuyến của chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ tài khoản Tiktok shop Hương Anh Food & Nest, phường Hồng Hà, TP Hạ Long (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Theo thống kê của Cục QLTT tỉnh, riêng trong tháng 8/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 15 vụ/15 hành vi liên quan đến kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, phạt tiền 107 triệu đồng. Luỹ kế 8 tháng năm 2024, đã kiểm tra, xử lý 61 vụ/ 69 hành vi, phạt tiền trên 819 triệu đồng, trị giá hàng hoá phát mại 597 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm trên 801 triệu đồng.

Theo ngành chức năng, thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, qua kiểm soát tình hình, việc lợi dụng kinh doanh TMĐT để bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu đang có chiều hướng gia tăng và gây những khó khăn nhất định trong việc kiểm soát.

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT và của tỉnh Quảng Ninh, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và các sản phẩm bánh trung thu, thực phẩm đóng gói ăn liền nói riêng thuộc địa bàn phụ trách và trên không gian mạng.

Đồng thời, đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin, tích cực rà soát các gian hàng trực tuyến của các hộ, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội như: facebook, youtube, tiktok,... để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong kinh doanh trên nền tảng TMĐT.

Đặc biệt là các mặt hàng cấm kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo, tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng TMĐT tại các website TMĐT uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hàng hóa kinh doanh phải có đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và khi có thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa phải có các giấy tờ, chứng từ chứng minh việc giao dịch.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Tăng cường quản lý kinh doanh trên internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO