Quảng Ninh: Tạo sức bật để phát triển nông sản Việt

HẢI NGÂN 15/08/2021 11:05

Quảng Ninh đang khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Năm 2021, ngành nông nghiệp Quảng Ninh xác định tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất, hình thành sản xuất hàng hóa đáp ứng các yêu cầu thị trường. Để khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nâng cao sản phẩm; áp dụng KHCN vào quy trình chăm sóc, chế biến. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, cây, con giống và hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao năng suất.

Vùng trồng cam Vạn Yên, huyện Vânp/Đồn, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Vùng trồng cam Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Như tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, địa phương được các chuyên gia đánh giá có nguồn lợi thuỷ sản phong phú, cho giá trị kinh tế cao như: Bào ngư, sá sùng, hải sâm… Theo thống kê, trung bình hàng năm, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản của huyện Cô Tô đạt khoảng 6.000 tấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng này đã đạt hơn 3.000 tấn.

Để khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo hướng bền vững, huyện Cô Tô đã vận động các cơ sở chế biến, HTX, hội viên, nông dân trên địa bàn nâng cao chất lượng chế biến hải sản, kết hợp nuôi biển ứng dụng KHCN, nhất là loài thủy sản có thế mạnh.

Theo ông Dương Văn Đại – Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, để phát triển ngành khai thác và chế biến thuỷ sản, địa phương đã khuyến khích hội viên, người dân đẩy mạnh ứng dụng KHCN. Qua đó, đổi mới quy trình quản lý sản xuất, chế biến, tạo ra sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng; đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, trong khâu chế biến, huyện Cô Tô đã hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển những sản phẩm chế biến sâu, có giá trị; để phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng.

Theo anh Đồng Sĩ Nguyên, hộ nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Cô Tô, năm 2020, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, anh đã vay hơn 1 tỷ đồng ngân hàng để làm kè trên diện tích 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ đó, nguồn nước nuôi tôm sạch và độ mặn được ổn định. Sản lượng tôm thẻ chân trắng năm 2020 của gia đình đạt gần 2 tấn, thu nhập 500 triệu đồng. Hiện, anh đang nuôi trồng thử nghiệm rong nho, nếu phát triển ổn định sẽ đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng.

Không chỉ chú trọng chế biến, tiêu thụ thuỷ sản, tỉnh Quảng Ninh còn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng vùng sản xuất, xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông sản theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Tại huyện Hải Hà, địa phương hiện có hàng trăm ha chè, một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của Quảng Ninh, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ kinh doanh. Trong 2 năm trở lại đây, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè của địa phương, huyện Hải Hà đã chuyển nhiều diện tích chè sang sủa xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp trên địa bàn để đầu tư hệ thống dây chuyền như: dây chuyền sao, sấy chè hiện đại. Từ đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Vùng sản xuất chè tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Chè Hải Hà là một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của Quảng Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Theo đại diện huyện Hải Hà, sản phẩm chè Hải Hà không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Hiện, mỗi ngày, các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua khoảng 40-50 tấn chè tươi của người dân địa phương. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn sản xuất được hơn 1.000 tấn chè khô cung cấp ra thị trường.

Theo chủ cơ sở chế biến chè Dũng Nga, huyện Hải Hà, cơ sở hiện đang triển khai mô hình liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình và tổ hợp tác trồng chè tại các xã Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Thành, Quảng Chính. Hiện mỗi ngày, xưởng chế biến chè Dũng Nga thu mua từ 8 đến 12 tấn chè tươi cho các hộ dân với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg chè cành, chè xuân; từ 8.000 - 10.000 đồng/kg đối với giống chè Ngọc Thúy. Nhờ đó mà cơ sở chế biến của chúng tôi có nguồn nguyên liệu ổn định, mở ra cơ hội tham gia vào những thị trường lớn hơn.

Còn tại thị xã Đông Triều, địa phương hiện có trên 800 ha trồng na, với sản lượng dự kiến đạt 6.500 tấn quả. Trong đó, có khoảng 350ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu tập thể.

Theo ông Nguyễn Văn Thìn - Phó Chủ tịch hội nông dân thị xã Đông Triều, hiện hội nông dân thị xã cùng các đơn vị liên quan vẫn tích cực khuyến khích, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị theo quy trình VietGAP. Việc áp dụng VietGAP cũng mang lại lợi thế lớn cho thương hiệu na dai Đông Triều khi giá thành cao hơn hẳn so với cây na được trồng theo phương pháp truyền thống.

Theo các hộ dân trồng na tại xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, từ nhiều năm trước, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ dân đã áp dụng quy trình VietGAP cho trồng cây na dai. Từ khi áp dụng quy trình VietGAP, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được giảm thiểu. Qua đó, tiết kiệm chi phí đầu tư; năng suất và giá thành sản phẩm cũng tăng. Trung bình 1ha trồng na dai áp dụng VietGAP cho thu hoạch khoảng 16 tấn quả/năm.

Hay tại huyện Vân Đồn, địa phương đang tập trung phát triển các vùng sản xuất tập trung được quy hoạch bao gồm vùng sản xuất cam và nuôi trồng thuỷ sản. Riêng với cây cam, đến nay, các hộ gia đình đã xây dựng đề án trồng cây cam bản địa theo hướng VietGAP.

Theo ông Trần Văn Hậu – Chủ nhiệm HTX nông trang Vạn Yên, HTX hiện có 18 thành viên, trồng khoảng 50ha cây cam các loại theo mô hình chuẩn VietGAP, sản lượng trên 100 tấn quả/năm. Năm 2016, được sự hỗ trợ của địa phương, HTX đã đăng ký tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm cam Vạn Yên và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Để sản phẩm khẳng định trên thị trường, HTX đổi mới các mẫu mã bao bì sản phẩm; tem nhãn, xuất xứ hàng hoá..., đảm bảo đầu ra bền vững cho thương hiệu cam Vạn Yên. Đồng thời, chú trọng khâu liên kết sản xuất, bước đầu hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại huyện Tiên Yên, xác định mô hình chăn nuôi gà Tiên Yên là hướng đi hiệu quả nhằm phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, để tiếp tục mở rộng mô hình này, theo ông Lý Văn Giểng - Chủ tịch hội nông dân huyện Tiên Yên, hội nông dân huyện tích cực nhân rộng mô hình "Nông dân dạy nông dân" để nâng cao hiệu quả trong phát triển sản xuất. Đồng thời, liên kết với các đơn vị sản xuất giống để cung cấp gà giống chất lượng cho các hộ nuôi.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, để từng bước hiện thực hóa nền nông nghiệp hiện đại, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Đồng thời, tiếp nhận công nghệ từ các nước có trình độ phát triển cao về nông nghiệp. Trong đó, tập trung sản xuất giống và thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học, thuốc thú y… Đồng thời, cũng ưu tiên nghiên cứu bảo tồn nguồn gen quý phục vụ chọn lọc, cải tạo những giống đặc sản.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Giải pháp nào giảm áp lực rác thải?

    Quảng Ninh: Giải pháp nào giảm áp lực rác thải?

    15:50, 11/08/2021

  • Quảng Ninh: Xét nghiệm tầm soát diện rộng người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2

    Quảng Ninh: Xét nghiệm tầm soát diện rộng người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2

    02:33, 09/08/2021

  • Quảng Ninh: Khơi thông điểm “nghẽn” để doanh nghiệp phát triển

    Quảng Ninh: Khơi thông điểm “nghẽn” để doanh nghiệp phát triển

    02:11, 09/08/2021

  • Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng

    Quảng Ninh: “Đòn bẩy” du lịch cộng đồng

    19:08, 07/08/2021

  • TP Hạ Long, Quảng Ninh: “Ngập” rác vì không có nơi xử lý

    TP Hạ Long, Quảng Ninh: “Ngập” rác vì không có nơi xử lý

    10:45, 06/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Tạo sức bật để phát triển nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO