Quy định “bảo lãnh ngân hàng” không cần thiết

Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM 11/04/2023 05:00

HoREA đề xuất xem xét bỏ quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai vì có một số bất cập, hạn chế.

>>Siết chặt quản lý đặt cọc mua "nhà trên giấy"

Quy định về bán bất động sản qua sàn cần chặt chẽ hơn

Bổ sung trường hợp giao dịch qua sàn

Khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định, chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản” đã hợp lý hơn.

Nhưng, Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết bổ sung trường hợp cá nhân, hộ gia đình tự thực hiện hoặc liên kết, hợp tác với “đầu nậu”, doanh nghiệp bất động sản để “phân lô, bán nền” phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản đối với trường hợp giao dịch với người không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc con nuôi, người được cấp dưỡng theo quy định pháp luật, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo và các cơn “sốt đất” như đã xảy ra trong thời gian qua.

Dự thảo cũng đã có quy định các cá nhân hoạt động môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và phải hành nghề trong một sàn giao dịch bất động sản hoặc tổ chức môi giới.

Và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ Sàn giao dịch bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp. Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 60 quy định sàn giao dịch bất động sản sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 58 của Luật này phải gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Xây dựng nơi có trụ sở của Sàn giao dịch để được cấp Giấy phép đăng ký hoạt động.

Điều này có nghĩa là bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp thì các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị cũng có thể đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản nếu hội đủ điều kiện.

Do đó, hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 57 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) như sau.

“Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản hoặc đất nền phân lô của cá nhân, hộ gia đình được tách thửa đất theo quy định của pháp luật về đất đai, mà một bên giao dịch là người không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc con nuôi, người được cấp dưỡng theo quy định pháp luật phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản”.

>>Môi giới bất động sản có còn là nghề "hot"?

Cần đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, đồng thời hạn chế việc thổi giá ảo, gây sốt đất. Ảnh: LV

Xem xét bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng

Liên quan đến quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, đây hiện đang là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà ở mà người mua nhà phải gánh chịu “phí bảo lãnh ngân hàng” (bằng khoảng 2% giá bán nhà).

Hiệp hội nhận thấy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để kéo giảm giá nhà ở. Do vậy, rất cần thiết xem xét bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai để góp phần kéo giảm giá bán nhà ở, có lợi cho người mua nhà.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện đúng quy định “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” thì “khó” cho cả ngân hàng thương mại và chủ đầu tư vì vừa làm giảm năng lực cho vay tín dụng của ngân hàng thương mại và vừa làm tăng “khối tài sản bảo đảm” của doanh nghiệp cho “khoản bảo lãnh” nên không được khai thác sử dụng hiệu quả “khối tài sản bảo đảm”.

Trong các năm qua có một số chủ đầu tư dự án không bàn giao nhà cho khách hàng đúng tiến độ hoặc không làm được “sổ hồng” cho khách hàng là do “vướng mắc về pháp lý”, chủ yếu là do đất dự án có nguồn gốc là “đất công” hoặc “đất dự án” có nguồn gốc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng, mà các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư từ nhiều năm trước đây.

Do vậy, quy định “bảo lãnh ngân hàng” không thật sự cần thiết mà chỉ làm tăng chi phí, làm tăng giá thành và giá bán nhà ở, không có lợi cho người mua nhà và hầu như chỉ “làm lợi” cho ngân hàng thương mại.  

Theo đó, Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ quy định tại Điều 27 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) về “bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai”, vì có một số “bất cập, hạn chế” (nêu trên) để góp phần làm giảm giá thành, làm giảm giá bán nhà ở cho người mua nhà.

Có thể bạn quan tâm

  • DKRA Group: Thị trường bất động sản quý II dự báo phân hóa nguồn cung và giá

    DKRA Group: Thị trường bất động sản quý II dự báo phân hóa nguồn cung và giá

    16:00, 10/04/2023

  • Giao dịch bất động sản suy giảm trong quý I/2023

    Giao dịch bất động sản suy giảm trong quý I/2023

    15:32, 10/04/2023

  • Môi giới bất động sản có còn là nghề

    Môi giới bất động sản có còn là nghề "hot"?

    03:00, 10/04/2023

  • Nhận định về sự phát triển bất động sản thương mại và công nghiệp trong tương lai

    Nhận định về sự phát triển bất động sản thương mại và công nghiệp trong tương lai

    11:00, 07/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy định “bảo lãnh ngân hàng” không cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO