Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước.
>>>Hải Dương: Kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư trong nước
>>>Hải Dương: Chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư
Đây là nội dung được nêu trong tờ trình của UBND tỉnh Hải Dương về quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII mới đây.
Theo ông Lê Hồng Diên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Tầm nhìn đến năm 2050 Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Hải Dương tập trung phát triển 5 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
>>>Hải Dương siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản
Ba nền tảng hỗ trợ là văn hóa và con người xứ Đông, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Bốn trục phát triển không gian gồm Bắc - Nam; Đông - Tây trung tâm tỉnh; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
Cũng tại tờ trình của UBND tỉnh Hải Dương về Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và phương hướng cụ thể phát triển các ngành quan trọng, tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo đó, phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, đây cũng chính là 4 chiến lược phát triển, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng 6 liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với với khu kinh tế chuyên biệt, CCN hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.
Về phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, diện tích tự nhiên của tỉnh Hải Dương là hơn 166.800 ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 87.000 ha, đất phi nông nghiệp gần 80.000 ha, đất chưa sử dụng khoảng 12 ha. UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thu hồi khoảng 20.300 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp), chuyển mục đích sử dụng khoảng 18.300 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đưa khoảng 87 ha đất chưa sử dụng vào cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tờ trình cũng đưa ra phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện. Theo đó, vùng trung tâm (vùng 1) là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm với TP Hải Dương là đô thị tổng hợp đa ngành, trung tâm chính trị hành chính của tỉnh, trung tâm kinh tế đa ngành. Vùng này gồm toàn bộ không gian phát triển của TP Hải Dương và các huyện Nam Sách, Gia Lộc.
Vùng phía Tây (vùng 2) là phân vùng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn của tỉnh Hải Dương. Vùng này gồm toàn bộ không gian phát triển của các huyện: Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện.
Vùng phía Đông Nam (vùng 3) gồm toàn bộ các huyện: Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ là vùng phát triển nông nghiệp đặc sản gắn với sản xuất hàng hoá, phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ theo hướng tiên tiến.
Vùng phía Bắc (vùng 4) gồm toàn bộ TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc của tỉnh, trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, xây dựng đô thị theo theo đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, đáng sống.
Liên quan đến quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trước đó, tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, Hải Dương là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các hành lang kinh tế, giao thông phát triển đồng bộ nhưng Tỉnh vẫn chưa có được sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Do đó, quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, cần tranh thủ sắp xếp lại không gian phát triển để làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc được nhanh; có thể tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển.
Theo ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương xác định rõ quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước, làm tốt quy hoạch của tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của vùng và khu vực.
Có thể bạn quan tâm