VCCI

Quyết tâm không để giải phóng mặt bằng trở thành điểm nghẽn

Huệ Thành 24/11/2024 21:01

Tỉnh Hải Dương quyết tâm không để GPMB trở thành điểm nghẽn, nỗ lực nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong PCI, để tạo điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Tăng khả năng tiếp cận đất đai

Theo báo cáo xếp hạng PCI của Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Năm 2023, Chỉ số Tiếp cận đất đai của Hải Dương đạt 7,26 điểm, giảm 0,09 điểm so với năm 2022, nhưng điểm trung vị đạt cao, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố (thuộc nhóm Tốt), tăng 7 bậc. Đứng thứ 5 cả nước và đứng đầu trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là điểm sáng, ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

2.jpg
Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã rốt ráo rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN) chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định, gây lãng phí nguồn lực đất đai (Ảnh minh họa)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương: Để tăng khả năng tiếp cận đất đai trong PCI, thời gian qua, Sở đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai trong tỉnh. Trong đó tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đất đai, rút ngắn tối đa thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các thủ tục chuyển nhượng, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cùng với đó, sở cũng công khai và minh bạch thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất và các quy định liên quan. Đặc biệt, trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cập nhật những tin tức về đất đai để nhà đầu tư chủ động tra cứu, tìm hiểu.

Hải Dương cũng đang đầu tư, hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai trực tuyến, trao sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp, phục vụ mục tiêu đầu tư.

Bà Lương Thu Hương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Dương cho rằng: Thời gian qua, việc tiếp cận các thông tin về đất đai tại Hải Dương đã được cải thiện rất rõ. Nhiều dự án đầu tư đã được công khai trên cổng thông tin của tỉnh và sở, ngành, địa phương. Theo bà Hương: Lợi thế giúp Hải Dương tăng chỉ số tiếp cận đất đai trong thời gian qua là tỉnh quyết liệt triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN nhằm tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư.

Được biết, hiện, các dự án KCN, CCN mở rộng ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Nam Sách đang được triển khai. Đây là quỹ đất công nghiệp dồi dào để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiện các khu công nghiệp này đã bắt đầu đón các nhà đầu tư thứ cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Trong những năm gần đây, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở, tỉnh Hải Dương đã là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản. Hàng loạt dự án quy mô lớn đã được triển khai thực hiện làm thay đổi bộ mặt của địa phương này.

Gỡ “điểm nghẽn”

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, triển khai dự án, những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là điều không thể tránh khỏi. Nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc khó khăn này để tạo động lực cho thu hút đầu tư, tỉnh Hải Dương luôn xác định GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng.

1.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản chỉ đạo công tác GPMB thực hiện dự án trọng điểm trên địa bàn TP Hải Dương

Trong những hạn chế cần khắc phục, Hải Dương quyết tâm không để GPMB bằng trở thành điểm nghẽn. Năm 2024, đưa giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ then chốt của các địa phương trong tỉnh. Cuối năm 2023 quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là cơ sở, nền tảng để tỉnh sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn lực về đất đai.

Từ năm 2023, tỉnh Hải Dương đã rốt ráo rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp (KCN) chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình triển khai, cơ quan tham mưu phân loại các dự án để tham mưu, đề xuất phương án xử lý phù hợp. Quyết liệt, mạnh tay với những dự án có sử dụng đất chậm tiến độ cũng là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Vừa qua, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, Hải Dương cũng đã đi đầu trong việc ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn các quy định về đất đai mới của cả nước. Điều này cho thấy những nỗ lực trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành các vấn đề liên quan đến đất đai của Hải Dương. Những nút thắt về đất đai dần được tháo gỡ sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Trịnh Đình Hùng - PGĐ Công ty TNHH Đại Dương, chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng KCN Lai Cách cho rằng, trong công tác GPMB, sự hăng hái vào cuộc của cán bộ, công chức đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp. Dự án khu công nghiệp Lai Cách có quy mô 135ha, đến nay đã GPMB xong 100ha.

Với sự chung tay, quyết liệt của UBND tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh, sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cẩm Giàng, trong thời gian tới, doanh nghiệp tin tưởng rằng sẽ được bàn giao 35ha còn lại để tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng của dự án.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Kim Thành cho biết: Xác định đất đai là mấu chốt để kêu gọi, thu hút đầu tư. Điển hình như huyện Kim Thành, chỉ trong thời gian ngắn 2 khu công nghiệp đã hình thành. Trong đó KCN Kim Thành thuộc địa phận các xã Tuấn Việt, Cổ Dũng, Thượng Vũ với 165 ha đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. KCN Kim Thành 2 với diện tích hơn 500 ha tại các xã Đại Đức, Tam Kỳ đã được công bố quy hoạch, hiện đang thực hiện kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Nhằm tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận đầy đủ các thông tin về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính về đất đai, tham mưu với UBND tỉnh bãi bỏ danh mục các thủ tục hành chính chồng chéo, không phù hợp, ban hành các quy định mới theo hướng nhanh gọn, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết.

Thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp mới thành lập chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đã giảm từ 30 ngày xuống còn không quá 10 ngày. Trong đó, thẩm định đánh giá tác động môi trường từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống quản lý đất đai điện tử như hệ thống thông tin đất đai trực tuyến. Hệ thống này cho phép các tổ chức, cá nhân tra cứu và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai qua mạng, giúp giảm bớt tình trạng chậm trễ và tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Cùng với đó, mô hình số hóa dữ liệu đất đai cũng đang được đơn vị triển khai.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phấn đấu tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình nhằm giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ông Lưu Văn Bản – PCT UBND tỉnh Hải Dương: Để thu hút nhà đầu tư, việc tạo quỹ đất sạch được địa phương coi là yếu tố hàng đầu, nhất là các dự án công nghiệp, dịch vụ, các khu đất có giá trị thương mại cao. Vì vậy, công tác xây dựng đơn giá, đền bù, hỗ trợ, bồi thường GPMB được các địa phương thực hiện nghiêm túc, bài bản, bảo đảm tối đa quyền lợi của tổ chức, cá nhân có diện tích đất thu hồi. Công khai, minh bạch các chế độ chính sách tới người dân. Quá trình triển khai thu hồi, GPMB đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm sớm có mặt bằng, bàn giao cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy gia tăng giá trị đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quyết tâm không để giải phóng mặt bằng trở thành điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO