RCEP và “cây gậy” của Trung Quốc

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 24/11/2020 06:00

Hiệp định thương mại sẽ đảm bảo nguyên tắc "win-win" khi và chỉ khi các bên không chênh lệch nhau quá xa về tiềm lực...

ASEAN sẽ là bàn đạp để Trung Quốc khôi phục sức mạnh

ASEAN sẽ là bàn đạp để Trung Quốc khôi phục sức mạnh

Bầu cử Tổng thống Mỹ đã bước sang tuần thứ 4 nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Joe Biden dẫn phiếu nhưng D. Trump vẫn còn cửa thắng thông qua cuộc đấu pháp lý đang diễn ra hết sức căng thẳng!

Nước Mỹ vẫn trong tình trạng bất ổn, bạo loạn, biểu tình có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù ai là Tổng thống Mỹ đi chăng nữa thì vẫn chậm chân so với Trung Quốc trong chiến lược bủa vây tầm ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Sở dĩ phải nhắc tới tình hình tại Mỹ bởi vì có liên quan mật thiết đến cục diện toàn cầu. Như đã phân tích ở nhiều bài viết trước. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, việc Trung Quốc và Đông Á lẫn ASEAN ký RCEP là thất bại của Washington.

Sau nhiều thập kỷ tung hoành ở phương Tây, Bắc Kinh đã bị “lộ diện”, gây lo ngại cho các quốc gia nhỏ, yếu, thậm chí nhiều cường quốc đã chuyển sang trạng thái đề phòng hơn là hợp tác.

Trong ít nhất 1 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ nắm chặt ASEAN thông qua RCEP. Một mặt là thị trường đầu tư hấp dẫn, ASEAN chủ yếu là các nước nhỏ, hệ thống pháp lý còn nhiều kẻ hở là điều kiện quá lý tưởng để doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các thương vụ đầu tư, thâu tóm các lĩnh vực chiến lược.

Thực tế, sự bành trướng của doanh nghiệp Trung Quốc đã diễn ra từ lâu ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia,…và phần nào đó các quốc gia này đã cảnh giác. Song, với RCEP tất cả các thành viên không thể “chối từ” các điều khoản đã ký kết.

Thêm một điều rất đáng nói, Việt Nam là nền kinh tế được đánh giá có độ mở rất lớn vì đã ký kết trên 10 Hiệp định thương mại. Tuy nhiên, để hỏi rằng, có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự thông thạo khung khổ pháp lý này quả là câu hỏi không dễ trả lời!

Khi các doanh nghiệp ASEAN không kịp thời tận dụng RCEP để làm ăn thì khoảng trống mênh mông mở ra cho doanh nghiệp Trung Quốc đang lao đao vì chiến tranh thương mại, căng thẳng ngoại giao với Mỹ.

Trung Quốc đã kiên trì 8 năm theo đuổi RCEP, nếu không muốn nói họ là nhà “thiết kế” ra Hiệp định này, nên dĩ nhiên không ai ngoài Trung Quốc có thể hiểu rõ mọi ngóc ngách, đường đi nước bước trong đó.

Với RCEP, Trung Quốc và ASEAN đang ở trong mối quan hệ song trùng - vừa hợp tác, vừa cạnh tranh quyết liệt. Nhưng điều đáng quan tâm là sự cạnh tranh diễn ra trên mặt trận giành và giữ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ cương vực.

Làm sao để giải quyết tranh chấp Biển Đông nếu như hai bên cùng “ăn chung một bàn tiệc”? Ai đủ dũng cảm kiện đối phương ra tòa quốc tế nếu như vốn đầu tư của bị đơn đã tràn ngập đất nước?

Trong mọi mối liên minh, liên minh kinh tế có sức mạnh lớn nhất, từ liên minh này các bên dễ rơi vào tình cảnh “há miệng mắc quai”. Các FTA - sẽ vô cùng hiệu quả nếu các bên đồng cân đồng lạng, ngược lại nếu quá chênh lệch tiềm lực chẳng khác gì “con ngựa thành Troy”.

Với RCEP, Trung Quốc đủ sức đấu Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Với RCEP, Trung Quốc đủ sức đấu Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Một ví dụ điển hình, sau khi RCEP được ký chưa ráo mực, Trung Quốc đã chi 1 triệu USD ủng hộ ASEAN xây dựng quỹ ứng phó COVID-19; nếu Bắc Kinh sản xuất được vaccin COVID-19 thì ASEAN là thị trường tiêu thụ (thử nghiệm) khổng lồ!

Đến giờ này mới thực sự nhận ra đối sách của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đó là thúc đẩy quan hệ với ASEAN (liên minh hẹp kết hợp với “tuần hoàn kép”) để tạo ra trục kinh tế mới. Đây là bước đi vô cùng kín đáo, có chiều sâu.

Đơn cử như mặt hàng dệt may, năm 2017 Trung Quốc xuất sang Mỹ 45 tỷ USD, song, dường như Trung Quốc đoán biết được một cuộc đụng độ thương mại nên doanh nghiệp của họ đã âm thầm dời sang các nước ASEAN.

Châu Á sẽ thuộc về người châu Á, người châu Á khổng lồ không ai khác đó là Trung Quốc!

Có thể bạn quan tâm

  • TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 16-22/11: RCEP, D. Trump và trật tự mới

    TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 16-22/11: RCEP, D. Trump và trật tự mới

    05:00, 22/11/2020

  • CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 16-21/11: Vai trò của RCEP trong quá trình tái thiết ASEAN

    CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 16-21/11: Vai trò của RCEP trong quá trình tái thiết ASEAN

    05:00, 21/11/2020

  • RCEP và thế khó của Mỹ ở Đông Nam Á

    RCEP và thế khó của Mỹ ở Đông Nam Á

    05:00, 21/11/2020

  • Thách thức và cơ hội với Việt Nam từ RCEP

    Thách thức và cơ hội với Việt Nam từ RCEP

    05:00, 20/11/2020

  • RCEP không làm trầm trọng nhập siêu cho Việt Nam

    RCEP không làm trầm trọng nhập siêu cho Việt Nam

    04:00, 20/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
RCEP và “cây gậy” của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO