Không hẳn là “ngôi sao” trong ngành tôm, song Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) được khá nhiều ông lớn chú ý.
Sau khi về tay chi phối của Tập đoàn PAN, Sao Ta hiện ra sao?
Hai đời M&A
Sao Ta được phê duyệt chuyển thành Công ty CP chính thức vào 2003. Trong 25 năm qua, quản lý cấp cao nhất gắn bó với Sao Ta là doanh nhân Hồ Quốc Lực. Ông vẫn đã và đang điều hành ở mọi thời kì tịnh tiến hoặc biến động của Sao Ta.
Tới cuối 2020, Sao Ta từ top 5 đã đạt vị thế trong nhóm đầu xuất khẩu tôm, với doanh thu đạt 4.415 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 226 tỷ đồng. Cổ phiếu FMC của Sao Ta trên thị trường đặt biệt từ đầu 2021 đến nay đã tăng tích cực theo thông tin giao dịch của cổ đông lớn. Đó là giao dịch mua vào thêm gần 6,6 triệu cổ phần FMC của Tập đoàn PAN, nâng lượng sở hữu lên hơn 24,12 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 40,99%), giúp cổ phiếu FMC đã tăng giá khoảng 15%.
64,98% là tỷ lệ sở hữu của nhóm PAN tại Sao Ta. Theo đó, PAN có thể quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Trên thực tế, trước khi về tay PAN với tỷ lệ sở hữu nguyên nhóm bao gồm phần nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp vừa mua thêm đạt trên 65%, Sao Ta cũng đã long đong đi qua một thương vụ M&A đình đám với rất nhiều kì vọng. Đó là vào năm 2012-2013, CTCP Hùng Vương (HVG) đã từng nắm tới hơn 54,28% cổ phần FMC. Những năm được chi phối bởi Hùng Vương, ông Hồ Quốc Lực từng kì vọng rằng FMC trong vai trò đảm đương một phần của chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản, sẽ phát huy sức mạnh ở những lĩnh vực công ty có lợi thế nhất.
Tuy nhiên, đến năm 2017, khủng hoảng tài chính khiến HVG “đuối sức” và phải chọn giải pháp thoái vốn khỏi Sao Ta. Người kế nhiệm vốn của HVG tại FMC là quỹ SSI và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT), một thành viên của PAN.
Thay đổi ra sao dưới tay PAN?
Trên thực tế, sự tham gia của PAN qua quỹ SSI và ABT đã kéo dài trong 3 năm qua và đã góp sức mang lại cho Sao Ta những thành quả như kì vọng M&A lần đầu. Từ năm 2018 đến nay, Sao Ta đã giữ kết quả tăng trưởng khá bền vững, kể cả ở năm 2020 khi doanh thu và lợi nhuận chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch do tác động COVID-19.
Sau khi mua thêm qua nhiều phương thức, đến nay PAN đạt sở hữu toàn nhóm tại Sao Ta là 64,98% - tức có thể làm tròn với cổ phiếu lẻ, đạt trên 65% - mức theo Luật chứng khoán, có nhiều quyền quyết định các nội dung của ĐHCĐ hơn, như có thể thông qua thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý của công ty, ngành nghề kinh doanh, bán tài sản ở tỷ lệ điều lệ công ty quy định…
Vì vậy, giới đầu tư dự đoán với nền tảng đã vững vàng, FMC tới đây có thể vào thời kì mới, thay đổi cơ cấu nhân sự quản lý của Công ty, thậm chí cả vị trí quản lý cao nhất? Cùng với đó, mặc dù đã hoạt động hiệu quả nhưng so với doanh nghiệp cùng ngành, ví dụ như Thủy sản Minh Phú (MPC), Sao Ta vẫn còn vốn điều lệ và vốn hóa thị trường ở mức khiêm tốn. Công ty vừa có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức thấp hơn nhiều so với thị giá, nhờ đó PAN nâng được tỷ lệ sở hữu như mong muốn. Song, chiến lược “phát giấy lấy tiền” của Sao Ta – tiếp tục tăng cường huy động vốn để tăng tốc đầu tư và đạt các mục tiêu tốt hơn, với sự thúc đẩy của PAN và đằng sau là SSI, hẳn sẽ còn tiếp diễn.
Có thể bạn quan tâm