Sau điện tử sẽ là... máy bay?

Phan Nam 24/03/2019 17:01

Với việc hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đã và đang đặt nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất linh kiện máy bay.

Ngày 29/3 tới, Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC - Mỹ) sẽ động thổ Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine. Với vốn đầu tư 170 triệu USD, Dự án dự kiến sản xuất các bộ phận thân máy bay cho các loại máy bay Boeing 787, 777, 737 và khoảng 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu.

Lễ động thổ dự án nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine 170 triệu USD của Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte.LTD (gọi tắt là UAC, Mỹ) tại Đà Nẵng sẽ diễn ra vào sáng 29/3.

Lễ động thổ dự án nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine 170 triệu USD của Tập đoàn Universal Alloy Corporation tại Đà Nẵng sẽ diễn ra vào sáng 29/3.

Nhiều nhà đầu tư “cập bến”

Cuối năm 2018, tập đoàn Hanwha (công ty duy nhất trong lĩnh vực động cơ hàng không ở Hàn Quốc và là một trong 10 công ty có công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới) đã khánh thành nhà máy sản xuất linh kiện máy bay đầu tiên tại Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Cũng trong năm 2018, Tập đoàn Airbus cũng đã có thư gửi Chính phủ và Bộ GTVT Việt Nam để trao đổi về kế hoạch cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hàng không.

Trong thư ngỏ, Airbus cho biết, sẵn sàng thiết lập một trung tâm sản xuất tại Việt Nam cùng với một đối tác công nghiệp lớn của tập đoàn. Trung tâm này sẽ là đơn vị duy nhất trong khu vực Đông Nam Á, chuyên sản xuất bộ dây đai an toàn bằng điện được lắp trên dòng máy bay Airbus A320. Một quy trình bao gồm quản lý vật liệu, sản xuất, kiểm tra và bàn giao sẽ được Airbus thực hiện tại Việt Nam.

Trước đó, Airbus đã chọn công ty Nikkiso Việt Nam để sản xuất các linh kiện máy bay đầu tiên tại Việt Nam. Công ty Nikkiso đã sản xuất xà dọc bằng composite của cánh máy bay và các tấm chắn của thiết bị đầu cánh Sharklet, hiện được trang bị trên gia đình máy bay A320 bán chạy nhất thế giới. Nikkiso cũng đã bắt đầu sản xuất các loại cánh cửa máy bay bằng các hợp chất sợi các-bon cho máy bay chở khách Boeing 777 tại Hưng Yên và cũng đã từng công bố kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây...

Có thể bạn quan tâm

  • Tập đoàn Mỹ sẽ khởi công nhà máy sản xuất linh kiện máy bay vào 29/3

    00:15, 14/03/2019

Tận dụng cơ hội mới

Chia sẻ về lý do lựa chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân đầu tư, ông Kevin Loebbaka – Giám đốc điều hành UAC, kiêm Chủ tịch của UAC Châu Âu cho biết: Hơn 30% đơn đặt hàng mới máy bay Boeing và Airbus trên thế giới đến từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Khi đó, các quốc gia trong khu vực này sẽ là điểm đến của các dự án sản xuất hàng không. Cả Boeing và Airbus đều đang thúc đẩy hoạt động sản xuất lớn hơn ở châu Á và có mối quan tâm rất lớn đến địa điểm sản xuất tương lai của UAC tại Đà Nẵng. Tại Việt Nam, VietJet đã mua 65 máy bay một lối đi Airbus A320 và A321. Bamboo Airways có 6 máy bay một lối đi của Airbus sẽ cam kết với 20 máy bay Boeing 787. Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển sản xuất hàng không vũ trụ khi tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng cho các hãng hàng không Việt Nam.

Ông Kevin Loebbaka nhận định: Lực lượng lao động Việt Nam đặc biệt tài năng, rất thành thạo các kỹ năng toán học, khoa học và gia công. “Kinh nghiệm làm việc của tôi bắt đầu cho tôi thấy Việt Nam có thể trở thành điểm dừng chân tốt” - ông Kevin Loebbaka chia sẻ.

Như vậy, sau khi trở thành một trung tâm sản xuất linh kiện điện tử cho các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới như Samsung, Microsoft, LG, Canon… Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất linh kiện máy bay.

Tuy nhiên, cùng với tiềm năng, sự quan tâm của các nhà đầu tư, cần một chiến lược quốc gia để thúc đẩy, hiện thực hoá cơ hội này. Hay nói như ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Để tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ phải thực hiện các bước loại bỏ các nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sau điện tử sẽ là... máy bay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO