Sẽ có phương án để tối ưu hóa giá bán lẻ xăng dầu

LINH NGA 12/10/2021 11:00

Liên Bộ Công Thương – Tài Chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu nhất để bảo đảm giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng, dầu thế giới.

fd

Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đang gây áp lực lên giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước.

Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua chịu ảnh hưởng từ việc kinh tế các nước trên thế giới hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại; nhu cầu năng lượng (trong đó có xăng dầu) tăng do chuẩn bị nguồn năng lượng cho mùa đông.

Trong khi đó, giá khí đốt tăng mạnh, cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) quyết định không gia tăng sản lượng khai thác so với kế hoạch đã tác động làm giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng đáng kể trong giai đoạn vừa qua. Giá dầu thô ngày 10/10 đã lên mức 80,11 USD/thùng đối với dầu WTI và 82,58 USD/thùng đối với dầu Brent, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

"Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh đang gây áp lực lên giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, kể từ đầu năm 2021, giá dầu thô đã tăng gần 58% từ khoảng 51,8 USD/thùng lên khoảng 81 USD vào cuối ngày 6/10", Bộ Công Thương cho hay.

fd

Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2021.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khi đa số các nhóm hàng hóa khác giảm giá thì nhóm giao thông, trong đó có giá xăng lại tăng giá liên tục. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 16 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 5.470 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.200 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.210 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng tăng 24,8%, làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đang dần được kiểm soát, số ca nhiễm mới tại TP HCM, Bình Dương… đang giảm mạnh và giảm liên tục trong những ngày gần đây. Nhiều địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích ứng với tình hình mới. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao.

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này (chiều ngày 11/10/2021), nếu không chi Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức cao, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng trên 1.000 đồng/lít so với giá hiện hành.

Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sử dụng công cụ Quỹ BOG linh hoạt, hiệu quả, có tính đến việc tạo dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng, nhất là khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng, căn cứ tình hình thực tế của Quỹ BOG tại thời điểm hiện nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính chắc chắn sẽ tính đến phương án tối ưu nhất để đảm bảo giá bán lẻ trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cũng khẳng định, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.

Theo điều chỉnh giá từ Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 11/10 lên mức 21.680 đồng một lít (tăng 970 đồng); RON 95 là 22.870 đồng một lít (tăng 930 đồng). Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Dầu hoả là 16.620 đồng một lít, tăng 980 đồng. Dầu diesel là 17.540 đồng một lít, đắt hơn 960 đồng. Dầu madut là 17.090 đồng một kg, tăng 510 đồng.

Cơ quan điều hành tiếp tục không trích quỹ bình ổn cho tất cả mặt hàng, nhưng chi quỹ 950 đồng với xăng E5 RON 92 (tăng 100 đồng mỗi lít so với kỳ trước) và 150 đồng với dầu diesel, 100 đồng cho dầu hoả.

Như vậy, với lần tăng giá thứ ba từ giữa tháng 8 này, mỗi lít xăng RON 95 đã sát ngưỡng 23.000 đồng một lít. Sau 3 lần tăng giá, xăng RON 95 đắt thêm 1.740 đồng mỗi lít, còn xăng E5 RON 92 là 1.790 đồng một lít.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá xăng dầu dự báo sẽ tăng mạnh vào ngày mai (11/10)

    Giá xăng dầu dự báo sẽ tăng mạnh vào ngày mai (11/10)

    11:00, 10/10/2021

  • Sẽ nới room ngoại cho nhóm cổ phiếu ngành xăng dầu trên sàn niêm yết?

    Sẽ nới room ngoại cho nhóm cổ phiếu ngành xăng dầu trên sàn niêm yết?

    05:25, 12/06/2021

  • Bộ Tài chính vào cuộc, “siết” gian lận trong kinh doanh xăng dầu

    Bộ Tài chính vào cuộc, “siết” gian lận trong kinh doanh xăng dầu

    11:29, 02/06/2021

  • Hiểu sao về cách tính giá xăng dầu?

    Hiểu sao về cách tính giá xăng dầu?

    06:10, 03/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sẽ có phương án để tối ưu hóa giá bán lẻ xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO