Sở Công Thương Kiên Giang tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã thành lập group Zalo “Ban Giám đốc Sở Công Thương và lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu” và group “hệ thống phân phối” để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
9 tháng đầu năm 2022, ngành công thương tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa phực hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc và có bước tăng trưởng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm ước đạt 5.090,03 tỷ đồng, tăng 51,90% so cùng kỳ; tính chung 9 tháng ước đạt 39.840,18 tỉ đồng, tăng 20,13% so cùng kỳ bằng 77,97% so kế hoạch.
Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao như: giày da, bao bì, tôm đông lạnh, gỗ MDF, khai thác đá... Kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD, tăng 67,83% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 621,23 triệu USD đạt 79,64% kế hoạch năm và tăng 19,28% so với cùng kỳ... Kim ngạch nhập khẩu lũy kế 9 tháng ước đạt 120,57 triệu USD đạt 92,75% kế hoạch và tăng 18,35% so với cùng kỳ.
Để phục vụ tốt cho sản xuất, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành điện, làm tốt công tác triển khai đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng điện cho vùng lõm, điện phục vụ bơm tát, điện quốc gia ra các hải đảo. Bên cạnh đó, tham mưu tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã góp phần đảm bảo cung ứng điện thường xuyên, an toàn cho sản xuất và sinh hoạt. Phấn đấu cuối năm 2022, tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt khoảng 99,65%.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới”…
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập quốc tế, nội dung các Hiệp định, các điều kiện xuất nhập khẩu của các quốc gia… giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt hơn những cơ hội từ các FTA mang lại. Quảng bá sản phẩm tiêu biểu, OCOP, sản phẩm công nghiệp chủ lực lên cổng xuất nhập khẩu quốc gia…
Mặc dù vậy, ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang thẳng thắn cho rằng, việc hồi phục của các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, Sở sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm hoàn thành, đạt và vượt mức các chỉ tiêu đã đặt ra.
Cụ thể, để hoàn thành mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 11.235 tỷ đồng, tăng 0,42%so với tháng trước và tăng 60,49% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng ước đạt 98.177 tỷ đồng, đạt 78,54% so với kế hoạch và tăng 21,55% so cùng kỳ, theo ông Minh, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nắm bắt tình hình doanh nghiệp. Bám sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
“Khắc phục những khó khăn tác động trực tiếp đến tiến trình khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch của doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng, cấp bách cần triển khai sớm nhằm tháo gỡ những nút thắt cho doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói, chính sách hỗ trợ theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ.
Tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, lao động để thúc đẩy hoạt động sản xuất - xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu, Sở thống nhất ký kết giao ước chỉ tiêu xuất khẩu năm 2022. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng. Giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến công nhằm mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng…
Ngoài ra, Sở tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trong nhóm ngành chế biến thủy sản, sản xuất giày da, may mặc… để tăng cường sản xuất, đáp ứng các đơn hàng.
Có thể bạn quan tâm