Kinh tế thế giới

SoftBank, SK, LG và Hanwha "bắt tay" góp vốn vào quỹ khởi nghiệp AI

Trường Đặng 17/08/2024 03:33

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu châu Á đang "bắt tay" thúc đẩy đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt thông qua quỹ khởi nghiệp AI.

-1x-1 (1)
SoftBank là một trong những nhà đầu tư đi đầu trong lĩnh vực AI tại Châu Á (Ảnh: Bloomberg)

Thu hút đầu tư AI châu Á


Tập đoàn SoftBank và các tập đoàn từ Hàn Quốc và Thái Lan sẽ tham gia một quỹ nhằm mục đích đầu tư nhanh chóng vào các công ty khởi nghiệp AI, bất chấp cơn sốt AI trên thế giới đang đối mặt với sự nghi hoặc lớn về triển vọng sinh lời.

SoftBank, tập đoàn của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, đã cùng với 3 ông lớn Hàn Quốc - gồm SK, LG Electronics, Hanwha Financial - và một tập đoàn Thái Lan ký một thỏa thuận để tham gia góp vốn vào Alpha Intelligence. Đây là một quỹ đầu tư trị giá 130 triệu USD được thành lập bởi các nhà sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm The Edgeof vào năm 2023.

"Mục tiêu của quỹ là giúp các nhà đầu tư nhanh chóng hiện thực hóa sự hợp tác với các công ty khởi nghiệp cho các ứng dụng dựa trên AI của họ," một nguồn tin nói với Nikkei Asia.

Mặc dù quy mô của Quỹ Alpha Intelligence vẫn còn khiêm tốn, những nó đang hướng tới trở thành một nền tảng kết nối các công ty đã được thành lập với các công ty khởi nghiệp AI để đầu tư, hoặc thậm chí M&A. Các nhà đầu tư cá nhân của quỹ sẽ có thể thành lập các thực thể chuyên ngành nếu họ muốn thực hiện một khoản đầu tư lớn hơn vào một công ty khởi nghiệp cụ thể, nguồn tin này nói thêm.

Quỹ Alpha Intelligence đang đàm phán với các công ty khác ở Đông Á và Đông Nam Á, và có kế hoạch mở rộng lên khoảng 200 triệu USD vào cuối năm nay. Quỹ này sẽ nhắm vào các công ty khởi nghiệp đang ở giai đoạn giữa, tức là có ứng dụng AI hoặc các công nghệ tiên tiến khác như máy tính lượng tử vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, robot và phần mềm dưới dạng dịch vụ.

Quỹ sẽ sử dụng các nhà nghiên cứu và các nguồn lực khác từ SoftBank Ventures Asia (SBVA) trước đây, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Hàn Quốc với tài sản quản lý trị giá 2 tỷ USD. SBVA đã được mua lại bởi The Edgeof, một công ty đầu tư mạo hiểm do Taizo Son, em trai của CEO SoftBank Group là Masayoshi Son, đồng sáng lập vào năm 2023. Ba nhà sáng lập, bao gồm Taizo Son sẽ đóng vai trò là các đối tác chung của quỹ mới.

AI investment
Xu hướng đầu tư vào AI vẫn ngày càng cao bất chấp lo ngại gần đây của nhà đầu tư (Ảnh: Goldman Sachs)

AI ở châu Á cần thêm nguồn lực

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp khó khăn trong việc theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp sử dụng AI tạo sinh để mở rộng dịch vụ của họ nhanh hơn nhiều so với giới hạn thông thường. Ngoài ra, nhu cầu vốn để các startup trong lĩnh vực này duy trì tính cạnh tranh cũng không hề nhỏ.

Điển hình, OpenAI, nhà phát triển chatbot ChatGPT nổi tiếng, đã được Microsoft hứa hẹn khoản đầu tư hàng tỷ USD ngay sau khi họ phát hành phiên bản thử nghiệm vào tháng 11 năm 2022.

Taizo Son cho biết rằng rất khó về mặt cơ cấu để các nhà đầu tư mạo hiểm đáp ứng nhu cầu đầu tư mạnh mẽ như vậy.

Chưa kể, cổ phiếu công nghệ toàn cầu đã bị bán tháo trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư lo ngại rằng lợi nhuận từ đầu tư vào AI có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để hiện thực hóa.

Nhận thức được điều này, nguồn tin của Nikkei cho biết có thể mất thời gian để các công ty khởi nghiệp AI tập trung vào việc nâng cao giá trị của các sản phẩm và dịch vụ tạo ra lợi nhuận. Thị trường thay thế lao động con người trong các lĩnh vực “ít hào nhoáng”, như bảo trì hệ thống công nghệ thông tin, được cho sẽ phát triển nhanh hơn nhiều.

Mặc dù quỹ mới cũng thu hút các công ty ở Thung lũng Silicon, nhưng ưu tiên của nó sẽ là đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có kế hoạch kinh doanh tại châu Á. Mặc dù châu Á là một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng, con số startup thành công vẫn chỉ rất nhỏ so với Mỹ. Theo dữ liệu từ CB Insights, đến tháng 7/2024 chỉ có 53 kỳ lân — các công ty khởi nghiệp tư nhân được định giá từ 1 tỷ USD trở lên — ở ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản cộng lại, so với 670 ở Mỹ.

Một trong những thách thức cho giới công nghệ ở châu Á là hạn chế hơn về khả năng tiếp cận vốn và IPO so với các đồng nghiệp ở Mỹ. Bởi vậy, các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực tiềm năng cao như AI cũng có thể thu hút thêm sự chú ý đến hệ sinh thái AI của châu Á, dẫn đến việc tạo ra nhiều kỳ lân hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
SoftBank, SK, LG và Hanwha "bắt tay" góp vốn vào quỹ khởi nghiệp AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO