“Sóng” tỷ giá cuối năm không quá lớn

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh 02/09/2018 11:01

Việc đổi mới trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) nói chung và tỷ giá nói riêng của NHNN đã tạo ra yếu tố nền tảng để giữ ổn định tỷ giá những tháng cuối năm.

Đến nay, tỷ giá trung tâm của Việt Nam đã tăng 1,1% so với cuối năm ngoái, tỷ giá liên ngân hàng biến động tăng 2,5% so với cuối năm 2017. Đây là diễn biến trong tầm kiểm soát của NHNN, phù hợp diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới và khu vực.

 Diễn biến tỷ giá VND/USD trong 8 tháng đầu năm 2018.

Diễn biến tỷ giá VND/USD trong 8 tháng đầu năm 2018.

Biến động tỷ giá do yếu tố tâm lý

Nhìn chung, chỉ số USD Index (DXY) tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhất là trong 20 ngày đầu tháng 4/2018 chỉ số này đạt mức trên 100 điểm. Sự tăng giá của đồng USD ít nhiều cũng có tác động đến sự mất giá của VND, bởi tỷ giá trung tâm được xác định trên rổ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, trong đó có 6 đồng tiền chủ chốt trên.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách nào?

    Doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách nào?

    11:01, 31/07/2018

  • NHNN chưa cần can thiệp tỷ giá VND/USD

    NHNN chưa cần can thiệp tỷ giá VND/USD

    15:27, 30/07/2018

  • NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá và thị trường

    NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá và thị trường

    06:50, 24/07/2018

  • "Sóng" tỷ giá khó bùng phát mạnh

    11:41, 19/07/2018

  • Chính phủ yêu cầu xây dựng các kịch bản điều hành tỷ giá

    Chính phủ yêu cầu xây dựng các kịch bản điều hành tỷ giá

    11:00, 12/07/2018

Diễn biến tỷ giá của VND từ đầu năm đến nay cũng theo xu hướng xu hướng trên. Theo Tổng cục thống kê, tỷ giá VND đến cuối tháng 7 tăng 1,3% so với cuối năm 2017 và tăng 1,28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức độ biến động của tỷ giá có mạnh hơn so với cùng ký năm ngoái. Trong 8 tháng qua cũng có những thời điểm tỷ giá tăng vọt, sau đó lại ổn định trở lại.

Đứng trên giác độ nhìn nhận các nhân tố tác động đến tỷ giá có thể thấy, sự biến động của tỷ giá từ đầu năm đến nay không phản ánh sự bất ổn của thị trường và sự xấu đi của kinh tế vĩ mô, đơn thuần chỉ là biến động của thị trường, đầu cơ, những tác động về tâm lý đến hành vi của nhà đầu tư khiến tỷ giá có những ngày tăng vọt, sau đó lại bình ổn trở lại khi có những can thiệp kịp thời của NHNN.

Những diễn biến kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm là một sự minh chứng cho nhận định này: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 308,07 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% và kim ngạch nhập khẩu đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa vẫn ở trạng thái xuất siêu 2,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2018. Hơn nữa, dòng vốn FDI và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, kiều hối cũng tăng mạnh trong 8 tháng qua, là điều kiện tốt để NHNN tăng dự trữ ngoại hối. Tính đến hết tháng 6, dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt 63,5 tỷ USD, tương đương 12-15 tuần nhập khẩu.

Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ

Thực tế cho thấy, tỷ giá trong những tháng cuối năm sẽ không có biến động lớn, cả năm 2018 có thể chỉ tăng khoảng 2- 2,5% nếu không có biến động bất thường nào, bởi:

Thứ nhất, lạm phát mặc dù có xu hướng tăng nhẹ, song vẫn nằm trong tấm kiểm soát. Trước xu hướng tăng của lạm phát, NHNN đã chủ động đưa ra những biện pháp kiểm soát cung tiền. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có biện pháp để bình ổn những mặt hàng có khả năng tăng giá cao như xăng dầu, lương thực… Lạm phát được kiểm soát là nhân tố quan trọng giữ ổn định tỷ giá.

Thứ hai, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018. Theo đó, NHNN sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đồng bộ, với các biện pháp quyết liệt để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. NHNN được đánh gia vẫn đang làm khá tốt vai trò của nhà điều hành đối với tỷ giá khi đã đưa ra định hướng CSTT rõ ràng dựa trên sự vận hành của thị trường và không bị cuốn theo các diễn biến khó lường trên thị trường thế giới.

Thứ ba, việc thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp đã tạo ra nhiều dư địa để nhà điều hành duy trì sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Dòng vốn khối ngoại tạo ra nguồn cung ngoại tệ dồi dào để NHNN tiến hành tăng dự trữ ngoại tệ, đi kèm với tăng quy mô hoạt động xuất nhập khẩu vốn luôn ở mức 2 con số trong năm 2017 (gần 21%) và 6 tháng 2018 (13,3%). Có thể nói, việc chủ động, linh hoạt trong điều hành CSTT của NHNN đã tạo ra những yếu tố nền tảng để giữ ổn định tỷ giá. NHNN cũng đã lường đón những khó khăn, thách thức trong vấn đề kiểm soát lạm pháp, ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2018.

Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đòi hỏi sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ Tài chính thì mới đảm bảo việc ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Sóng” tỷ giá cuối năm không quá lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO