Startup công nghệ đào thải ồ ạt khi nguồn vốn dần cạn

Theo thesaigontimes 05/06/2022 04:38

Số lượng nhân viên bị sa thải tại các startup công nghệ trên toàn thế giới, phần lớn là Mỹ, đã tăng đến mức chưa từng có trong hơn hai năm qua.

>>Startup công nghệ bất động sản Homebase tiết lộ bí quyết mua nhà của người Việt trẻ

Điều này khẳng định một lần nữa rằng tình hình gọi vốn đang khó khăn hơn, nguồn vốn mạo hiểm không còn dồi dào và dễ dãi như trước.

Startup nhà bếp ảo Reef Technology tại Mỹ sẽ sa thải 750 nhân viên.

Startup nhà bếp ảo Reef Technology tại Mỹ sẽ sa thải 750 nhân viên.

Hơn 20.000 nhân sự đang làm việc tại các công ty khởi nghiệp đã bị sa thải trong hai tháng qua, với phần lớn diễn ra trong hai tuần cuối tháng 5. Liệu bong bóng công nghệ sẽ sớm vỡ trong năm nay khi các nhà phân tích nói rằng đây là năm khó khăn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009?

Làn sóng sa thải lan rộng

Cuộc khủng hoảng tiền mặt bắt đầu được cảm nhận hồi đầu tháng 5 rồi tại startup tỉ đô hàng tiêu dùng Thrasio. “Hôm nay chúng tôi xin thông báo quyết định giảm quy mô nhân sự của Thrasio. Chúng tôi cần thiết phải thực hiện một số thay đổi chiến lược và hoạt động để đảm bảo tăng trưởng”, email của giới quản lý Thrasio gửi toàn bộ nhân viên.

Thành lập vào năm 2018, Thrasio là công ty dẫn đầu trong số các công ty hỗn hợp của Amazon chuyên mua các thương hiệu trên nền tảng này và cung cấp hỗ trợ kinh doanh để làm cho các thương hiệu thành công hơn. Công ty khởi nghiệp nhanh chóng mở rộng quy mô sau nhiều thương vụ mua lại, đạt giá trị 10 tỉ đô la. Trong một tháng qua, Thrasio đã cắt giảm tới 20% lực lượng lao động.

>>Bài học cho các startup công nghệ y tế

>>Amazon quyết định đầu tư 2 tỷ USD vào startup công nghệ khí hậu

Hãng cung cấp công nghệ nhà bếp ảo Reef Technology tại Mỹ nói rằng sẽ sa thải 750 công nhân, tương đương khoảng 5% lực lượng lao động.

Làn sóng sa thải nhân sự đang lan rộng trong các startup công nghệ. Theo hãng dữ liệu Layoffs.fyi, 20.514 người đã mất việc làm tại các công ty khởi nghiệp công nghệ trên toàn cầu kể từ tháng 4. Việc sa thải, dựa trên thông tin công khai cho đến ngày 31-5 vừa rồi, chủ yếu là ở Mỹ.

Con số sa thải đã tăng gấp đôi trong hai tuần qua. Tức là thị trường lao động trong lĩnh vực này đang có chiều hướng xấu đi. Layoffs.fyi đã liên tục cập nhật số lượng việc làm bị cắt giảm kể từ tháng 3-2020 khi Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu. Trên cơ sở hàng quí, số bị sa thải nhiều nhất là trong quí 2-2020 khi hơn 60.000 người bị cho thôi việc.

Thrasio hay Reef Technology nằm trong danh sách dài các kỳ lân – các công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân trị giá từ 1 tỉ đô la trở lên – đã sa thải nhân viên. Trên toàn cầu, theo CB Insights, có hơn 1.000 công ty khởi nghiệp chưa niêm yết đã đạt đến trạng thái kỳ lân, gấp đôi số lượng so với hai năm trước.

Bong bóng công nghệ

Việc định giá các startup công nghệ tăng vọt này là do các quỹ mạo hiểm và các doanh nghiệp khác đang đang cạnh tranh gay gắt để giành được cổ phiếu chưa niêm yết với hy vọng thu được lợi nhuận sau khi IPO (niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán). Với nguồn vốn dồi dào, các startup tìm cách thu hút nhân tài từ các tập đoàn lớn.

Nhưng dường như, hiện tượng “huyền thoại” sản xuất hàng loạt các kỳ lân không còn tồn tại nữa.

“Năm nay sẽ là một năm rất khó khăn,” Jeff Richards, đối tác quản lý thuộc quỹ mạo hiểm GGV Capital  ở Silicon Valley, đã viết trên Twitter cá nhân. Ông dự đoán đây sẽ là “năm khó khăn nhất” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009.

Cuối tháng 5, Sequoia Capital đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí kinh doanh.

Nhạc đã tắt, tiệc sắp tàn. Cuộc khủng hoảng công nghệ đang dần lan rộng, thị trường IPO đình trệ. Chỉ số Nasdaq gồm phần lớn nhóm cổ phiếu công nghệ đã giảm khoảng 30% kể từ đầu năm. Theo Dealogic, các đợt IPO trên toàn thế giới đã giảm 50% trong quí đầu tiên so với một năm trước đó.

Đà trượt giá trong các đợt IPO đã thu hẹp các lựa chọn nguồn vốn của các công ty khởi nghiệp. Các quỹ cũng ít có khả năng cam kết cấp vốn mới nếu họ không thể thu hồi các khoản đầu tư của mình từ đợt chuyển nhượng cổ phiếu.

Hiệu suất danh mục đầu tư yếu kém của SoftBank Group và Tiger Global Management đã tạo làn sóng thoái lui trong rót vốn vào mảng công nghệ. Dòng vốn từ hai quỹ đầu tư lớn này đã góp phần tạo nên đàn kỳ lân “sinh sôi nảy nở”. Giờ đây, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Masayoshi Son của SoftBank cho biết tập đoàn Nhật Bản sẽ áp dụng sách lược phòng thủ với “các tiêu chí đầu tư nghiêm ngặt hơn.”

Nhiều kỳ lân bị đè nặng bởi chi phí cao, phần lớn là do tuyển dụng hàng loạt. Với việc các nhà đầu tư lớn đang thắt chặt hầu bao, các startups đang cảm thấy áp lực trong việc kiểm soát chi tiêu.

Không phải tất cả các kỳ lân đều gặp vấn đề về vốn. Một phần đã huy động đủ vốn trong thời kỳ bùng nổ. Ngoài ra, các cổ đông dài hạn của startup như các quỹ hưu bổng và các nhà tài phiệt đã hứa hẹn mở rộng cánh cửa đầu tư đối với các quỹ mạo hiểm.

Theo PitchBook, các quỹ mạo hiểm của Mỹ đã có tổng cộng 70 tỉ đô la để đầu tư mới vào cuối tháng 3, nhiều hơn mức đã thấy từ năm 2008 đến năm 2010 – thời điểm trước và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy rằng một công ty khởi nghiệp đầy triển vọng vẫn có cơ hội được hỗ trợ tài chính mạnh mẽ.

Tháng trước, nền tảng giao dịch tiền điện tử Talos đã huy động được hơn 100 triệu đô la trong một vòng gọi vốn với sự tham gia của Citigroup và các nhà đầu tư lớn khác. Sự hỗ trợ đã mang lại cho Talos mức định giá 1,2 tỉ đô la. Bất chấp những khó khăn, các nhà đầu tư đã đặt cược của họ vào lĩnh vực công nghệ đang phát triển.

Khi bong bóng dot-com vỡ năm 2001, nhiều công ty khởi nghiệp đã phá sản hoặc thu hẹp quy mô. Amazon đã vượt qua được những cơn bão đó và trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Những người bị sa thải trong đợt sụp đổ của dot-com đã tự mình trở thành doanh nhân hoặc tìm được chỗ đứng ở các công ty danh tiếng. Sự điều chỉnh nhân sự hay có thể là bong bóng công nghệ năm nay dự kiến sẽ thúc đẩy sự rung chuyển của các kỳ lân. Có thể đây là dấu hiệu của sự ra đời các hãng công nghệ dẫn đầu thế hệ tiếp theo.

https://thesaigontimes.vn/startup-cong-nghe-dao-thai-o-at-khi-nguon-von-dan-can/

Có thể bạn quan tâm

  • Startup công nghệ Mỹ lao đao khi môi trường kinh doanh trở nên u ám

    Startup công nghệ Mỹ lao đao khi môi trường kinh doanh trở nên u ám

    04:23, 15/05/2022

  • Startup công nghệ khí hậu với sứ mệnh “xanh hóa” các tòa nhà cũ

    Startup công nghệ khí hậu với sứ mệnh “xanh hóa” các tòa nhà cũ

    04:37, 17/04/2022

  • Sun* Startups tạo sân chơi cho startup công nghệ giáo dục và công nghệ y tế

    Sun* Startups tạo sân chơi cho startup công nghệ giáo dục và công nghệ y tế

    05:15, 01/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Startup công nghệ đào thải ồ ạt khi nguồn vốn dần cạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO