Bên cạnh việc số lượng startup Kỳ lân ngày một giảm, thì nhiều startup phải trải qua "cuộc đại phẫu" - làn sóng sa thải nhân sự ồ ạt lan rộng trên toàn cầu.
>>Startup Propzy từng được SoftBank đầu tư công bố hoạt động tại Việt Nam
Báo cáo của KPMG APAC năm 2022 cho thấy, số lượng các startup, cũng như số lượng các giao dịch góp vốn, đầu tư mạo hiểm vào các startup khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang có xu hướng tăng trở lại, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.
Năm 2018, các giao dịch đầu tư mạo hiểm trong khu vực đạt mức cao nhất mọi thời đại là 152,68 tỷ USD. Giai đoạn 2019 - 2020 số lượng các giao dịch bắt đầu giảm và chạm mốc 116,91 tỷ USD vào năm 2021. Gần đây nhất, quý 1/2022, các giao dịch trong khu vực đạt trị giá 32,62 tỷ USD.
Một số đặc điểm kinh tế chính được xem xét bao gồm dân số, số lượng thuê bao di động, GDP bình quân đầu người và số lượng người dùng internet. Trong đó, Đông Nam Á được đánh giá tăng trưởng nhờ sự gia tăng đáng kể của những "người bản xứ kỹ thuật số" trẻ và có học thức cùng những hỗ trợ từ phía chính phủ.
Các lĩnh vực hiện đang hút vốn đầu tư mạo hiểm được KPMG thống kê bao gồm: fintech, công nghệ sinh học, phần mềm/dịch vụ, blockchain, chăm sóc sức khỏe và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, có một thực tế mà giới tinh hoa khởi nghiệp cần nhìn vào, đó là mặc cho số lượng startup ra đời ngày càng một nhiều, thì số lượng startup Kỳ lân (các công ty khởi nghiệp có định giá trên 1 tỷ USD) - những startup tạm được gọi là có thành quả lại đang ngày càng một ít đi.
Báo cáo của CB Insights cho hay, trong năm 2021, vốn đầu tư vào các startup công nghệ tăng gần gấp đôi so với một năm trước, chạm mốc 621 tỷ USD. Đã có 537 startup Kỳ lân ra đời trong năm ngoái, tương đương với mỗi ngày làm việc trôi qua thì sẽ có 2 startup Kỳ lân được ra đời.
Tuy nhiên, tính đến quý 2/2022, thế giới chỉ có 87 startup Kỳ lân mới, tương đương gần 1,4 startup Kỳ lân mới xuất hiện mỗi ngày làm việc. Thậm chí, tình hình được dự đoán là sẽ xấu đi trong quý 3 sắp tới, khi thế giới sẽ chỉ đón nhận 27 startup Kỳ lân.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho số lượng startup Kỳ lân sụt giảm mạnh, như: kinh tế thế giới bước vào thời kì suy thoái, lạm phát, chiến tranh, hay dịch bệnh. Nhưng một nguyên nhân dễ thấy hơn cả, đó là sự thanh lọc tự nhiên - buộc các công ty khởi nghiệp phải thay đổi trong bối cảnh mới.
Thống kê của CB Insights chỉ ra, fintech đang là mảng ghi nhận sụt giảm số lượng startup Kỳ lân mới xuất hiện nhiều nhất. Trong quý 2/2022, thế giới có thêm 20 startup Kỳ lân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tương đương mức giảm 44% so với quý trước, và 58% so với năm trước.
Sau fintech, công nghệ bán lẻ là mảng tiếp theo ghi nhận sụt giảm lớn, với số lượng startup Kỳ lân mới giảm 28% so với quý trước và 46% so với năm trước.
Bên cạnh việc số lượng startup Kỳ lân ngày một giảm, thì nhiều startup phải trải qua "cuộc đại phẫu" - làn sóng sa thải nhân sự ồ ạt lan rộng trên toàn cầu.
Thống kê ban đầu của Layoffs.fyi, gần 17.000 lao động thuộc hơn 70 startup công nghệ trên toàn cầu đã bị sa thải vào tháng 5, tăng tới 350% so với tháng trước đó và là mức kỷ lục so với cùng kỳ năm 2020.
Xu hướng này chắc chắn ảnh hưởng tới Việt Nam, nơi có nền kinh tế với độ mở lớn, thị trường khởi nghiệp còn đang non trẻ, vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ngoại khi các quỹ nội chưa đủ nguồn lực.
Một minh chứng là Leflair (startup chuyên bán hàng hiệu giảm giá tại Việt Nam) đã có cuộc thay máu đội ngũ điều hành cấp cap, để chuyển đổi thành Leflair Group. Đơn vị này cho biết, sẽ mở rộng thâu tóm các nền tảng trong phân khúc bán lẻ trực tuyến, truyền thông, tiếp thị…. để phát triển thành hệ sinh thái bán lẻ.
Hay Propzy - nền tảng giao dịch bất động sản, mới đây cũng tuyên bố dừng hoạt động. Và trước đó là sa thải một nửa nhân sự, đóng hết hệ thống trung tâm giao dịch để thay đổi mô hình kinh doanh nhưng vẫn thất bại.
Có thể bạn quan tâm