Startup từ Estonia đánh bại Uber như thế nào?

QUÂN BẢO 28/04/2023 03:01

Trong khi Uber vung hàng tỷ đô để thống trị toàn cầu, thì Bolt làm ngược lại. Với ngân sách khởi đầu ít ỏi, công ty vươn tới trị giá 8,4 tỷ đô bằng cách tập trung vào những thị trường bị lãng quên.

>>Startup OplaCRM nhận đầu tư từ công ty game GOSU

Bolt là startup mà Markus Villig đồng sáng lập cùng người anh trai Martin vào năm 2013. Trong thời gian đầu, họ tiếp cận thị trường những công ty taxi truyền thống. Năm 2015, khi mới 21 tuổi, Villig đang ở Serbia để giới thiệu sản phẩm bộ điều phối kỹ thuật số cho một công ty taxi truyền thống. Tuy nhiên thứ để lại trên bàn anh chỉ là một khẩu súng lục. Vậy là anh nhận ra một thông điệp rõ ràng rằng: Đây là những khách hàng khó tính trong một ngành công nghiệp tàn bạo. Anh không muốn dính dáng gì đến họ nữa.

Vậy nên thay vì làm việc với các công ty taxi truyền thống, Villig quyết định tiếp cận trực tiếp với tài xế. Hướng đi này khiến Bolt, một công ty startup trụ sở tại Estonia với số vốn chỉ 2 triệu USD, đi vào cuộc đua cạnh tranh trực tiếp với Uber, công ty trước đó có mức định giá 17 tỷ USD. Thế nhưng với Villig, điều này ít đáng sợ hơn nòng súng.

Vì số vốn của Bolt chỉ bằng 0,01% của Uber, vậy nên rõ ràng Villig cần một chiến lược phát triển rất khác. Thay vì đối đầu với Uber ở những thị trường phát triển, Bolt chuyển sang nhắm đến các quốc gia như Ba Lan, nơi ban đầu rất ít, thậm chí không có cạnh tranh.

Đó là cả một hành trình chăm chỉ. Vì ngân sách nhỏ, không thể chịu nổi các khoản lỗ lớn, vậy nên anh cố gắng vận hành công ty ở mức gần hòa vốn. Villig thi hành nhiều chính sách tiết kiệm, chẳng hạn tuyển dụng tài xế qua Facebook, chứ không phải chạy các chiến dịch quảng cáo hào nhoáng, hoặc làm việc tại một căn hộ giá rẻ ở thủ đô Tallinn của Estonia. Với mỗi cuốc xe, công ty nhận về 15%, và Bolt học cách tồn tại dựa vào con số này. Trong khi đó Uber đốt hết 19,8 tỷ USD trước khi lên sàn vào năm 2019.

Cách tiếp cận tiết kiệm của Villig đã được đền đáp. Hiện tại Bolt có hơn 3 triệu tài xế, hoạt động tạo 45 quốc gia và tạo ra 570 triệu USD doanh thu năm 2021. Tính đến vòng gây quỹ gần đây nhất (tháng 1/2022), công ty có giá trị 8,4 tỷ USD. Cổ phần 17% của Villig có giá trị 700 triệu USD, theo ước tính từ Forbes.

Bất chấp những lời thúc giục từ người khác, Villig không đi theo hướng đi của các startup khác, thâm nhập thị trường Mỹ. Thay vào đó, anh cho Bolt chào sân Nam Phi, thuê các nhân viên địa phương thông qua Skype. Nhiều tài xế và khách hàng ở Nam Phi không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, vì vậy anh ấy bổ sung hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Doanh thu từ các quốc gia Châu Phi như Nam Phi, Nigeria và Ghana chiếm ⅓ hoạt động kinh doanh của Bolt.

Sau nhiều năm hoạt động trong tình trạng tài chính eo hẹp, Villig cuối cùng cũng tìm được hậu thuẫn từ Didi (công ty gọi xe lớn của Trung Quốc) và Mercedes-Benz, sau đó là Sequoia Capital và Fidelity đầu tư 1,4 tỷ USD từ 8/2021 đến 1/2022.

Hiện tại Villig đã có tiền và quyền để thúc đẩy Bolt phát triển. Tuy nhiên anh phải cẩn trọng không được dẫm vào vết xe đổ của Uber. Khi huy động vốn đầu tư mạo hiểm giống Uber vào năm 2021, Bolt cũng công bố khoản lỗ 622 triệu USD. Một nửa trong số đó là để trả các khoản vay trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra lỗ còn đến từ các khoản giảm giá cho tài xế, hoặc các khoản đầu tư để xây dựng “siêu ứng dụng” Bolt, với các dịch vụ kèm theo như cho thuê xe máy, xe hơi, giao đồ ăn, giao hàng tạp hóa. Con số vẫn đang được tổng hợp. Tuy nhiên Bolt cho biết họ đã thu hẹp đáng kể khoản lỗ vào năm 2022. Còn Villig tuyên bố anh sẽ trở lại mức hòa vốn vào cuối năm nay.

Dù kết quả thế nào thì ít nhất anh cũng tránh được một cạm bẫy, đó là không đi theo con đường tiêu xài hoang phí như những người sáng lập đến từ Mỹ. Bolt không phát hành thẻ tín dụng, điện thoại hoặc các quà tặng khác cho nhân viên. Bản thân Villig thường xuyên ở chung phòng khách sạn hoặc đi máy bay giá rẻ để tiết kiệm chi phí.

Villig cho biết tiết kiệm là tôn chỉ ngay từ ngày đầu thành lập công ty, vì lúc đó không có tiền. Còn bây giờ, khi bộ máy nhân sự của Bolt là 4.000 người, thì có lẽ tiết kiệm sẽ là lợi thế duy nhất của Bolt.

Mặc dù tiết kiệm, thế nhưng Villig khẳng định mình không có kế hoạch sa thải nhân viên. Các khoản giảm lương tự nguyện và trợ cấp từ chính phủ giúp nhân viên của Bolt vẫn còn giữ được việc làm trong đại dịch, mặc dù cho doanh thu giảm 80%. Vậy nên khi quá trình phục hồi bắt đầu, thì bộ máy công ty đã sẵn sàng vận hành trơn tru.

Có thể bạn quan tâm

  • Startup Selex Motors Việt nhận tài trợ 3 triệu USD từ trái phiếu chuyển đổi

    Startup Selex Motors Việt nhận tài trợ 3 triệu USD từ trái phiếu chuyển đổi

    01:16, 25/04/2023

  • Martech cho startup Việt

    Martech cho startup Việt

    11:32, 22/04/2023

  •  Startup EVEN huy động thành công 2,2 triệu USD

     Startup EVEN huy động thành công 2,2 triệu USD

    01:35, 19/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Startup từ Estonia đánh bại Uber như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO