Giải phóng nguồn lực đất đai để tạo động lực, xung lực mới, không gian phát triển mới cho đất nước phát triển.
>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Dự thảo có rất nhiều quy định ảnh hưởng sát sườn tới quyền lợi của người dân. Vì thế, đây là dự thảo luật đặc biệt quan trọng nhận được quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội.
Qua đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa giới thiệu 10 điểm đổi mới so với quy định hiện hành để nhân dân tập trung góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Những vấn đề được quan tâm, tập trung nhiều ý kiến nhất xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục là các nội dung: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhiều doanh nghiệp đánh giá, các thay đổi trong Luật có thể là tạo ra sự "thành - bại" đối với không ít dự án, ngoài ra còn tác động trực tiếp đến đời sống của người dân sống quanh vùng dự án.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất đai là vấn đề hệ trọng, hết sức nhạy cảm, đặc biệt trong các mối quan hệ ổn định, phát triển. Liên quan đến cả tôn giáo, dân tộc, kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng…. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại “lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”, giải quyết tốt chính sách đất đai thì đất phát triển tốt, còn không sẽ cản trở sự phát triển, chưa kể còn nảy sinh vi phạm, bị xử lý.
Thực tiễn chúng ta đã thấy giàu lên vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết vì đất đai cũng có, mà chia rẽ nội bộ vì đất cũng có. Thậm chí sai phạm, tù tội cũng liên quan tới đất”, nên đây là vấn đề cần nghiên cứu kĩ, nhưng không cầu toàn, nóng vội được, phải kiên trì, kiên định nhưng uyển chuyển, mềm dẻo, bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.
Một vấn đề nan giải trong hơn 2 thập kỷ gần đây đó là số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn đứng đầu bảng về căng thẳng xã hội, chưa biểu hiện giảm. Nhiều gia đình sứt mẻ tình cảm vì đất, có người đi tù cũng vì đất. Nhiều vụ đại án thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây, cả khu vực công và khu vực tư nhân, cũng liên quan đến đất đai. Sự bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo cũng bộc lộ rõ hơn khi nhìn từ góc độ đất đai.
>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc ấn định thời hạn thu hồi đất hoang hóa
>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vấn đề thu hồi và giải quyết khiếu nại
>>Đề xuất giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án có phù hợp?
Đặc biệt, từ cuối năm 2018 đến nay, hàng loạt cán bộ, nguyên lãnh đạo đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam liên quan đến quản lý đất đai. Những “biến tướng” trong áp dụng pháp luật về thu hồi đất, bán tài sản công là đất… đã không ít lần gây ra chuyện bi ai cho nhân dân và những đại án dù người dân “nức lòng” thì trong thời hạn ngắn cũng không khắc phục nổi hậu quả.
Có quá nhiều những vụ việc nổi cộm như Thủ Thiêm cách đây hơn 20 năm hay mới đây là ở Bình Thuận. Hình ảnh hàng đoàn người nông dân “mất đất” đi khiếu nại, tố cáo lên cả cấp cao ở Trung ương không chỉ diễn ra ở đời thường, mà còn hiển hiện cụ thể trong các báo cáo về khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thanh tra, tư pháp qua nhiều nhiệm kỳ đại hội… Tất cả đã phá hỏng những định hướng, chủ trương tốt đẹp của Trung ương và gây ra những hệ lụy cho chính sách pháp luật về đất đai của Nhà nước.
Với những bất cập về đất đai nói trên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra, một trong những nguyên nhân hàng đầu của các mâu thuẫn đất đai ở nước ta là sự “mù mờ” của thể chế đất đai. Chính sự chưa rõ nghĩa của các khái niệm trong hệ thống pháp luật và quy định hành chính quản lý đất đai đã tạo cơ hội cho một số cán bộ thực thi chính sách có thể diễn giải tùy tiện, lợi dụng kẽ hở pháp lý - hành chính để vụ lợi. Hẳn nhiên, phản ứng của những người dân không còn nắm giữ quyền sử dụng đất sẽ là khiếu kiện, tố cáo kéo dài.
Có thể nói, đất đai vốn dĩ phức tạp, nhạy cảm, nguồn lợi địa tô vốn dĩ ma lực. Nếu cán bộ không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không tuân thủ pháp luật, lơ là, buông lỏng quản lý sẽ rất dễ dẫn đến sai phạm. Mất cán bộ là câu chuyện không sớm thì muộn. Đây là chuyện đau đớn, không muốn của tổ chức Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy vậy, điều này có nghĩa vấn đề đất đai phức tạp không chỉ bắt nguồn từ hệ thống luật pháp mà còn có liên hệ với cách thức chính quyền địa phương hành động như thế nào trong quá trình thực thi luật pháp. Tức là, ở đây chúng ta thấy được tầm quan trọng của cơ chế và công cụ chính sách.
Hy vọng về một Luật Đất đai mới sẽ cởi trói cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế được các sai phạm truyền thống về đất đai và nếu có sai phạm thì cũng chỉ là hãn hữu. Kỳ vọng ấy không thể là đồ xa xỉ mà phải được bồi bổ để củng cố lòng tin xã hội và tạo vốn cho phát triển.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 19/02/2023
11:00, 18/02/2023
04:00, 17/02/2023
03:00, 16/02/2023