Sửa Luật Đấu giá tài sản: Cần làm rõ các hành vi bị cấm

YẾN NHUNG 24/05/2024 00:30

Để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện cũng như khả thi trong thực tế, góp ý Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn nữa về các hành vi bị nghiêm cấm.

>> Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh chồng chéo luật chuyên ngành

Theo đó, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành - Ảnh minh họa: ITN

Đáng nói, Dự thảo Luật đã bổ sung, sửa đổi một số nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ1 khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại điểm d1 khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.

Tuy nhiên, liên quan đến các hành vi bị cấm, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nội dung này vẫn cần được làm rõ, chi tiết hơn nữa để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện cũng như khả thi trong thực tế.

>> Sửa Luật Đấu giá tài sản: Ngăn tình trạng “bỏ cọc” cần chế tài phù hợp

Góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến đề xuất, cần làm rõ hơn nữa về các hành vi bị nghiêm cấm - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến đề xuất, cần làm rõ hơn nữa về các hành vi bị nghiêm cấm - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị, làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.

“Để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi. Do đó, trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà chia sẻ.

Ngoài ra, đại biểu này cũng đề nghị bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ. Trên thực tế đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.

Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật như: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại Khoản 1, Điều 39 có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

“Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc chuyển nội dung của khoản 1 Điều 39 này vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất và tránh các hành vi bị nghiêm cấm là quy định rải rác ở các điều luật khác nhau”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh chồng chéo luật chuyên ngành

    Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh chồng chéo luật chuyên ngành

    03:40, 09/05/2024

  • Sửa Luật Đấu giá tài sản: Ngăn tình trạng “bỏ cọc” cần chế tài phù hợp

    Sửa Luật Đấu giá tài sản: Ngăn tình trạng “bỏ cọc” cần chế tài phù hợp

    04:00, 16/03/2024

  • Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh để “khoảng trống” pháp luật

    Sửa Luật Đấu giá tài sản: Tránh để “khoảng trống” pháp luật

    04:00, 07/12/2023

  • Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản

    Ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản

    11:30, 04/12/2023

  • Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc

    Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc

    04:00, 27/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đấu giá tài sản: Cần làm rõ các hành vi bị cấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO