24h

Sửa Luật Đầu tư công: Cần rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư

Gia Nguyễn 06/11/2024 10:00

Đây là góp ý của đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tại phiên thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 06/11...

Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 06/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

du-an-luat-dau-tu-cong-sua-doi-06.11.1.1.jpg
Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia góp ý tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Dự thảo thì sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như: phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư nhưng nếu chưa được bố trí vốn hàng năm thì sẽ không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư bao gồm việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Để rút ngắn về thời gian, thủ tục thực hiện các công việc đã nêu, đại biểu Đoàn Hà Nam đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm vào khoản 2 Điều 57 theo hướng : “2. Chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền (quyết định chủ trương đầu tư), quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Bên cạnh nội dung đã nêu, liên quan đến khoản 1 Điều 59 quy định về “vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, quy định như vậy thì các công việc phải thực hiện tiếp theo như: lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… sẽ không triển khai thực hiện được khi chưa bố trí vốn thực hiện Dự án.

Để khắc phục bất cập này và rút ngắn về thời gian thực hiện các công việc, đại biểu đề nghị, xem xét sửa đổi khoản 1 Điều 59 và khoản 3 Điều 59 Dự thảo Luật, theo hướng: chuyển các nhiệm vụ như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong bước thực hiện đầu tư về nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

du-an-luat-dau-tu-cong-sua-doi-06.11.1.2.jpg
Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tham gia góp ý Dự án Luật tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Trong khi đó, quan tâm đến quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án, tham gia thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho rằng, quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.

Theo đại biểu Trần Chí Cường, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.

Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.

“Vì vậy, tôi đề nghị Dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở điều 36a bổ sung Luật đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu”, đại biểu Trần Chí Cường bày tỏ.

Cũng theo đại biểu Trần Chí Cường, Dự thảo quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành. Với thời gian thực hiện quy trình thủ tục như vậy thì việc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi.

Vì vậy, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50% trên cơ sở căn cứ định hướng, chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Đầu tư công: Cần rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO