Nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định khác hiện hành, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất quy định về công bố giá bán buôn thuốc tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi).
Thực tế cho thấy, sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Dược 2016, ngành dược Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như một số quy định về quản lý đến chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý; một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo) là cần thiết. Trong đó, vấn đề liên quan đến giá thuốc nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, Dự thảo quy định về công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá. Hơn nữa, Dự thảo cũng đã quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.
Theo Dự thảo mới nhất, cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc phải công bố giá bán buôn thuốc dự kiến đến Bộ Y tế trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường. Thông tin này được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Trường hợp giá thuốc công bố cao bất thường, cơ sở kinh doanh phải báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động của các yếu tố hình thành giá. Nếu không chứng minh được, Bộ Y tế sẽ kiến nghị điều chỉnh.
Luật Dược hiện hành quy định cơ sở kinh doanh thuốc có trách nhiệm niêm yết giá bán buôn, bán lẻ thuốc tại nơi giao dịch hoặc nơi bán. Họ cũng phải công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế về giá bán buôn, bán lẻ thuốc đã kê khai. Tuy nhiên, Luật hiện hành không yêu cầu các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu phải công khai giá bán dự kiến.
Bày tỏ đồng tình quy định như Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là quy định đặc thù đối với quản lý giá thuốc, chưa có trong Luật Giá nhưng cũng không trái quy định trong Luật Giá. Quản lý giá bán buôn theo hình thức công bố cũng đảm bảo tính thống nhất. Tuy nhiên cần làm rõ giá trị pháp lý của kiến nghị từ phía Bộ Y tế với cơ sở sản xuất và nhập khẩu thuốc.
"Bộ Y tế thấy giá không phù hợp có quyền kiến nghị doanh nghiệp. Nhưng nội dung kiến nghị có bắt buộc thực hiện không. Nếu họ không thực hiện thì sao? ", ông Tùng đặt vấn đề.
Ngoài ra, Dự thảo cũng chưa nêu rõ trách nhiệm, quy trình đối với doanh nghiệp khi giải trình. Cơ sở nào xem xét, công nhận giải trình đó là hợp lý. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan soạn thảo quy định chi tiết thẩm quyền trách nhiệm của từng cơ quan, vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa để bảo vệ cơ sở sản xuất kinh doanh nếu xảy ra vấn đề pháp lý về giá thuốc.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc nêu trên vừa bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về việc kê khai giá bán buôn dự kiến để kiểm soát giá bán và hạn chế việc bán lòng vòng qua các khâu trung gian, đẩy giá lên cao. Qua đó, Cơ quan quản lý Nhà nước về giá có thông tin về giá để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, bình ổn giá.
Góp ý thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc kiểm soát giá bán buôn là điểm mới, cần tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng công tác mua thuốc của cơ sở y tế; phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.
“Giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất. Không thể cùng một loại thuốc nhưng nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá khác. Đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc, lắng nghe ý kiến nhiều ngành, nhiều cơ quan và cả ý kiến từ những người sử dụng thuốc”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Được biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).