Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dược, góp ý Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ hơn nữa các chính sách ưu đãi.
>> Cần thiết luật hóa việc kinh doanh dược qua sàn thương mại điện tử
Theo đó, Luật Dược 2016 đã có những chính sách nhằm bảo đảm tăng cường tự chủ cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh. Nhờ đó, sản xuất thuốc trong nước đã có những bước phát triển nhanh chóng, mức tăng trưởng hàng năm từ 12 - 15%. Tuy vậy, các chính sách tại luật này chưa thực sự thúc đẩy phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt chất tinh khiết chiết xuất từ dược liệu là thế mạnh của Việt Nam cũng như nguyên liệu sinh học, dẫn đến chưa thu hút được các cơ sở sản xuất đầu tư nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này.
Để khắc phục những bất cập của Luật Dược hiện hành, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược.
Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) cơ quan soạn thảo đã sửa đổi quy định tại khoản 3, khoản 5, Điều 7 Luật Dược nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng: “ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vaccine, sinh phẩm, thuốc thiết yếu, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu, thuốc được sản xuất từ chất chiết xuất từ dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia.
Ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc mới từ nguồn dược liệu đặc hữu trong nước; hoạt động bảo tồn nguồn gene dược liệu quý hiếm đặc hữu trong nước…”.
Mục đích của việc sửa đổi này được cho để tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư và có những phát triển đột phá trong công nghiệp dược của đất nước.
>> Sửa Luật Dược: Cân nhắc quy định điều chỉnh các sản phẩm khí dùng trong y tế
Góp ý về nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi chính sách để tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư và có những phát triển đột phá trong công nghiệp dược của đất nước là rất cần thiết, tuy nhiên, nội dung sửa đổi trong Dự thảo lần này vẫn dừng ở nguyên tắc, chưa đi vào cụ thể.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng, khoản 3 Điều 7 quy định “Ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất, nguyên liệu,…”, vẫn dừng ở nguyên tắc, chưa đi vào cụ thể, do đó, nên bổ sung những chính sách, ưu đãi cụ thể, thu hút đầu tư như thế nào để có thể dễ dàng triển khai, đưa luật vào cuộc sống.
“Dự thảo luật này không quy định cụ thể thì Nghị định của Chính phủ sẽ rất khó quy định khác với những quy định của Luật Đầu tư, cho nên, vẫn không tạo được sức thu hút có tính chất đột phá để phát triển công nghiệp dược. Đề nghị nghiên cứu thêm để có những quy định cụ thể, ưu đãi vượt trội, đủ mạnh để khuyến khích phát triển công nghiệp dược như mục tiêu đã đặt ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Đặng Thuần Phong cũng chỉ rõ, quy định tại Điều 7 của Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn chưa cụ thể, trong khi có nhiều nội dung liên quan trực tiếp hoặc dẫn chiếu tới những luật khác, như ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, công nghệ... do đó, các chính sách ưu đãi để giúp phát triển công nghiệp dược cần rõ ràng hơn nữa, tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng để các doanh nghiệp thấy được lợi ích, tiềm năng khi tham gia đầu tư.
“Phải có những chính sách như thế nào để thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, ứng dụng các công nghệ mới? Thời gian qua việc phát triển công nghiệp dược, đặc biệt là sản xuất thuốc của nước ta đã tiếp cận được với những công nghệ mới nhưng còn vướng mắc về nguyên liệu sinh học, phát triển các vùng nguyên liệu trong nước chưa xứng với tiềm năng, đầu tư vẫn nhỏ giọt, phân tán, không như mong muốn”, Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong đặt vấn đề.
Đồng quan điểm nêu trên, một số ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát lại việc thực hiện các chính sách hiện hành, đánh giá tính phù hợp, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, xem xét kỹ những vướng mắc về chính sách, lĩnh vực, địa bàn, điều kiện, thủ tục ưu đãi đầu tư… cơ quan soạn thảo phải xem xét kỹ lưỡng, rà soát đầy đủ để bảo đảm các quy định của Dự thảo Luật (sửa đổi) khi được ban hành sẽ tháo gỡ được các bất cập trong thực tiễn.
Được biết, so với luật hiện hành, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), đã sửa đổi, bổ sung 43 Điều, trong đó, sửa đổi 40 Điều, bổ sung 3 Điều, bãi bỏ 4 Điểm và 2 khoản. Và theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (tháng 5/2024 tới).
Có thể bạn quan tâm
Thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi Luật Dược
16:46, 16/04/2024
Sửa Luật Dược: Cân nhắc quy định điều chỉnh các sản phẩm khí dùng trong y tế
04:00, 11/04/2024
Sửa Luật Dược để doanh nghiệp “dễ thở” hơn
03:30, 13/01/2024
Sửa Luật Dược nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp
16:48, 22/12/2023
Sửa Luật Dược theo hướng rút ngắn thời gian cấp phép thuốc
03:30, 23/03/2023