Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán hóa chất…
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 08/5, các đại biểu tham gia thảo luận, góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại hội trường.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã cơ bản hoàn thiện, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán hóa chất…
Cụ thể, về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 3), Dự thảo Luật đã cấm các hành vi như: sản xuất, kinh doanh trái phép hóa chất; sửa chữa, làm giả giấy phép; cung cấp thông tin sai lệch; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc...
Tham gia góp ý nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, hiện nay tình trạng lợi dụng nền tảng mạng xã hội, thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm; nhất là tiền chất ma túy, hóa chất dễ cháy nổ... diễn ra rất phổ biến. Các hành vi này ẩn danh, khó truy xuất, có nguy cơ xâm hại an ninh hóa chất và an toàn cộng đồng, nhưng lại chưa được quy định rõ ràng trong hành vi nghiêm cấm.
Do đó, đại biểu đề xuất bổ sung một khoản mới vào Điều 3 về hành vi bị nghiêm cấm là: “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật”.
“Đồng thời, nên có quy định giao trách nhiệm cho Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Công an trong kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng”, đại biểu góp ý.
Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị, bổ sung thêm hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật, đó là hành vi sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Bởi, vấn đề này đã diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, bổ sung quy định “các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định của Bộ Công Thương, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, dừng việc đưa hóa chất vào sử dụng và lưu thông trên thị trường cho đến khi hoàn thành việc cập nhật thông tin theo quy định”.
Còn theo đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ban soạn thảo cần rà soát xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất; bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.
“Bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý vận chuyển qua “hóa đơn điện tử”, dấu vết sản phẩm… vì các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến các loại hóa chất này vẫn còn chưa cụ thể và chưa thể hiện được tính nghiêm khắc khi xử lý vi phạm”, đại biểu đề nghị.
Tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết đối với Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Bộ trưởng cho biết, sau Kỳ họp thứ 8, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật. Đến nay, về cơ bản, các nội dung của Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Cơ quan chủ trì thẩm tra thống nhất.
“Với tinh thần cầu thị, trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật, Cơ quan soạn thảo đã nỗ lực tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức liên quan. Sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết tiếp tục cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.