Góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), VCCI đề nghị cân nhắc, sửa đổi yêu cầu các dự án hoá chất đáp ứng nguyên tắc hoá học xanh sang hình thức khuyến khích…
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc lấy ý kiến góp ý đối với Luật Hóa chất (sửa đổi) (Dự thảo).
Theo đó, góp ý quy định về đầu tư dự án hoá chất, VCCI cho biết, Điều 11.2.d yêu cầu Dự án hoá chất phải áp dụng nguyên tắc hoá học xanh trong thiết kế và lựa chọn công nghệ, thiết bị theo quy định của pháp luật. Quy định này có nguy cơ không bảo đảm tính thống nhất với các quy định pháp luật khác và chưa thực sự minh bạch.
Cụ thể, về tính thống nhất, Điều 4.12 quy định Nguyên tắc hoá học xanh do Bộ Công Thương ban hành. Như vậy, Bộ Công Thương sẽ có thẩm quyền ban hành các quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dự án hoá chất. Quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc cấp bộ không được ban hành quy định điều kiện đầu tư kinh doanh tại Điều 7.3 của Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh này lại áp dụng cho tất cả các dự án hoá chất, chứ không chỉ áp dụng cho các dự án sản xuất, kinh doanh hoá chất có điều kiện.
Về tính minh bạch, theo VCCI một số doanh nghiệp cũng băn khoăn về tính rõ ràng, minh bạch khi bắt buộc phải áp dụng nguyên tắc hoá học xanh. Các nguyên tắc hoá học xanh thường chỉ mang tính định hướng, với nhiều chỉ tiêu định tính. Doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp kỹ thuật khác nhau để đạt được các nguyên tắc này, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án.
Do đó, việc xác định công nghệ, thiết bị của một dự án phù hợp với nguyên tắc hoá học xanh mang tính chủ quan của người đánh giá. Điều này có thể tạo nguy cơ tuỳ tiện trong quá trình áp dụng, thậm chí tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực khi các cơ quan Nhà nước xem xét từng dự án cụ thể.
Với các lý do đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa đổi quy định yêu cầu các dự án hoá chất đáp ứng nguyên tắc hoá học xanh sang hình thức khuyến khích thay vì bắt buộc.
Cũng tại văn bản này, góp ý quy định về thủ tục đăng ký hoá chất mới, theo VCCI, thủ tục đăng ký hoá chất mới đã có từ Luật Hoá chất năm 2007, nhưng chưa bao giờ được thực hiện do chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia. Điều 45 của Dự thảo quy định theo hướng là hoá chất mới không có trong cơ sở dữ liệu thì chỉ được phép sử dụng sau khi đã làm thủ tục đánh giá hoá chất và đăng ký.
Như vậy, có thể hiểu, doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng hoá chất có trong cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia, nếu muốn sử dụng hoá chất chưa có trong danh mục thì phải xin phép. Nói cách khác, cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia và thủ tục đăng ký hoá chất mới cơ chế chọn cho, doanh nghiệp chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép.
“Điều này trái ngược với nguyên tắc chọn bỏ, doanh nghiệp và người dân được làm những gì pháp luật không cấm”, VCCI góp ý.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cơ chế quản lý hoá chất mới theo hướng thủ tục thông báo. Theo đó, doanh nghiệp được phép sử dụng hoá chất không có trong cơ sở dữ liệu hoá chất quốc gia và phải thông báo cho cơ quan Nhà nước về điều này. Cơ quan Nhà nước tự đánh giá hoá chất và phân loại vào diện quản lý phù hợp (nguy hiểm, có điều kiện, hạn chế hoặc cấm). Nếu doanh nghiệp sử dụng hoá chất mới mà chưa thông báo thì xử phạt vi phạm nghĩa vụ thông báo, không xử phạt việc sử dụng hoá chất mới.
Cùng với những nội dung nêu trên, liên quan quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và huấn luyện người lao động, để đơn giản hoá thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc sửa đổi để tránh nguy cơ chồng chéo, trùng lặp pháp luật.