Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật PPP: Cân nhắc thêm phương thức thanh toán cho hợp đồng BT

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 08/10/2024 04:30

Góp ý nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, chuyên gia đề xuất, nên cân nhắc thêm phương thức thanh toán cho hợp đồng BT…

Với nhiều kỳ vọng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật về đầu tư) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

sua-luat-ppp-24.3.1.1.1.jpg
Tại nội dung sửa đổi, bổ sung lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện - Ảnh minh họa

Trong đó, liên quan đến Luật PPP, Dự án một luật sửa 4 luật về đầu tư hướng đến sửa đổi, bổ sung các quy định về lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP nhằm mở rộng, đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.

Cụ thể, không hạn chế các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP (trừ các dự án thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội); Bãi bỏ hạn mức quy mô tối thiểu đối với các dự án PPP; Giao trách nhiệm cho bộ ngành và địa phương trong việc lựa chọn dự án có tính khả thi, đủ điều kiện để áp dụng phương thức PPP, như: có quy mô phù hợp và có khả năng tạo nguồn thu cho nhà đầu tư;…

Đáng nói, tại nội dung sửa đổi, bổ sung lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này.

sua-luat-ppp-24.3.1.1.2.jpg
Bên cạnh hai phương thức được cơ quan soạn thảo đề xuất, theo chuyên gia, nên cân nhắc một phương thức nữa là dùng quỹ đất đấu giá lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về đề xuất đã nêu, ông Nguyễn Nội - nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc bổ sung lại hình thức BT là rất cần thiết, trước kia thế giới vẫn dùng BT rất tốt nhưng ở ta trong quá trình thực hiện xảy ra nhiều vướng mắc ở khâu cơ quan quản lý đàm phán với nhà đầu tư và công thức thanh toán sai.

Theo ông Nguyễn Nội, hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT tại Dự thảo Luật bao gồm hai hình thức là bằng tiền và bằng quỹ đất, vì vậy, nên cân nhắc một phương thức nữa là dùng quỹ đất đấu giá lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đó, sau khi Nhà nước xây dựng xong hạ tầng thì tổ chức đấu giá.

“Ví dụ dự án Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh nếu áp dụng cách này thì tiền Nhà nước bỏ ra sẽ giảm đi rất nhiều và có thể sử dụng giá trị tăng thêm của đất đấu giá này. Nhà đầu tư cũng có thể tham gia đấu giá với ưu tiên giảm 5-10%”, vị chuyên gia này đề xuất.

Tham gia góp ý Dự thảo Luật, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 45a của Dự thảo Luật quy định: “Dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai thác sau khi công trình thực hiện theo hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác”.

Theo ông Thạch, dự án đối ứng là một dự án độc lập với dự án BT, khi nhà đầu tư thực hiện xong theo tiến độ thì được quyền kinh doanh, không cho phép khai thác dự án đối ứng sẽ gây ra lãng phí về nguồn lực của các nhà đầu tư và xã hội và ràng buộc việc khai thác dự án đối ứng với việc hoàn thành và chuyển giao công trình BT là chưa phù hợp.

Cùng với nội dung đã nêu, ông Thạch cũng đề nghị, làm rõ dự án BT thanh toán bằng quỹ đất thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu và xử lý dân sự, nếu phát sinh chi phí bồi thường cho nhà đầu tư và nhà đầu tư phải trả lại quỹ đất; ở trên đất đối ứng này đã hình thành dự án hoặc dự án đang thực hiện trên đất đối ứng thì có thu hồi lại dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư không.

Góp ý Dự thảo, chuyên gia pháp lý bất động sản – Ths Nguyễn Văn Đỉnh đặt vấn đề, đối với dự án BT thanh toán bằng quỹ đất, tài sản công, Dự thảo quy định nếu hợp đồng BT có nội dung chưa phù hợp với pháp luật và thuộc trường hợp xử lý hình sự thì thu hồi dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư (nếu có).

Theo ông Đỉnh, trách nhiệm hình sự là của cá nhân nhưng lại đặt ra chế tài với pháp nhân là chưa thỏa đáng. Thay vào đó, cần làm rõ xử lý hình sự với ai, phạm tội gì, quan hệ nhân - quả giữa hành vi phạm tội với việc được giao đất, giao dự án. Nếu có quan hệ nhân – quả thì mới được thu hồi dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, nếu quá trình xử lý hình sự chưa kết thúc (chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật) thì những người liên quan chưa bị kết tội; vì vậy, quyết định thu hồi đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư phải căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, không thể chỉ căn cứ vào việc có xử lý hình sự.

“Mặt khác, việc thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư như trên cũng không thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, do đó quy định này sẽ dẫn đến “xung đột pháp luật” và không có trình tự, thủ tục tương ứng để ban hành quyết định thu hồi đất, đặc biệt là việc giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi đất của Nhà nước (vấn đề bồi thường, hỗ trợ sẽ không được giải quyết do Luật Đất đai 2024 không có quy định tương ứng về lập, phê duyệt phương án bồi thường trong trường hợp này)”, vị chuyên gia này góp ý.

Được biết, theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án một luật sửa 4 luật về đầu tư dự kiến sẽ được trình Quốc hội khoá XV xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật PPP: Cân nhắc thêm phương thức thanh toán cho hợp đồng BT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO