Trước hiện trạng quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin trên không gian mạng, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo sẽ góp phần thắt chặt hơn công tác quản lý…
>> Sửa luật - Có ngăn chặn được quảng cáo sai sự thật?
Theo thống kê số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế năm 2023, các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được số tiền 8.000 tỷ; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ.
Từ những con số đó có thể thấy rằng, Việt Nam đang là một mảnh đất hết sức “màu mỡ” đối với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Trong khi đó ở chiều ngược lại, do hệ thống luật pháp đi sau so với thực tiễn đã dẫn đến việc chúng ta khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp Việt cũng mất đi thị phần quảng cáo trên không gian mạng. Việc này không chỉ mất đi nguồn thu thuế cho Nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy trong lĩnh vực này.
Đáng nói, một thực trạng phổ biến hiện nay khiến không ít người quan ngại đó là việc, các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo sản phẩm “ngang nhiên tự tiện” gắn “mác” hoặc logo của các cơ quan, tổ chức để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng; hay như vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... dùng hình ảnh giả mạo của các chuyên gia nhằm phóng đại giống như “thần dược” dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.
Cùng với đó là việc quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền tràn lan tạo ra ma trận sản phẩm gây nhiễu cho người dùng thì các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ quảng cáo của Facebook, Google, Youtube để phát tán các sản phẩm cờ bạc, cá độ.
>> Công ty khởi nghiệp Vibe tạo môi trường quảng cáo công bằng và minh bạch cho doanh nghiệp
Ngoài ra, lợi dụng tình trạng các đơn vị đặt quảng cáo chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi... nên các đại lý quảng cáo thả lỏng và nhiều sản phẩm quảng cáo bị gắn với các nội dung xấu độc, chống phá Đảng và Nhà nước, sai sự thật, khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền...
Nhìn nhận về thực tế đã nêu, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang dựa vào nền tảng của nước ngoài là chính nên gây khó khăn trong việc quản lý và gây thất thoát nhiều cho ngân sách của Nhà nước.
Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay đó là cần định danh các tài khoản cá nhân, tổ chức kinh doanh quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội mà không chịu nộp thuế cho nhà nước. Việc này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với bộ ngành liên quan để thực hiện, nhằm tăng thu ngân sách và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đơn vị hoạt động quảng cáo nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua, đã có nhiều văn bản dưới luật, tuy nhiên, theo thống kê, nhiều hình thức quảng cáo trá hình vẫn chưa có văn bản quy định.
Vì vậy, cùng với các chính sách hiện có, để góp phần siết chặt hơn hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã bổ sung quy định tại Điều 23 và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền, nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền;
Không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đồng thời, bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân; quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm; quy trình phát hiện vi phạm, tiếp nhận thông tin, xử lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Đánh giá về nội dung đề xuất này, nhiều ý kiến cho hay, việc đưa ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, mạnh tay trong xử lý các hành vi vi phạm là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, việc này không chỉ siết chặt hơn nữa đối những vi phạm trong quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới trong thời gian tới, mà còn bịt được “lỗ hổng” trong quản lý về vấn đề này tránh để kẻ xấu lợi dụng đe dọa an ninh, an toàn trên không gian mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân người dùng mạng xã hội.
Việc luật hóa các nội dung đã nêu ngoài việc ngăn chặn hành vi vi phạm, còn góp phần bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Màn hình tự động hóa: Loại hình quảng cáo thú vị mới
02:45, 10/04/2024
Sửa luật - Có ngăn chặn được quảng cáo sai sự thật?
03:40, 13/03/2024
Công ty khởi nghiệp Vibe tạo môi trường quảng cáo công bằng và minh bạch cho doanh nghiệp
01:53, 04/03/2024
AI biến văn bản thành phim: Giới quảng cáo hi vọng và quan ngại
01:00, 21/02/2024
Quảng cáo Tết 2024: Ngành hàng FMCG nổi bật trong bầu không khí thận trọng
03:00, 09/02/2024