Sửa Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn: Cần thống nhất và tránh chồng chéo

YẾN NHUNG 28/06/2024 11:22

Để đảm bảo thống nhất và tránh chồng chéo quy định, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ một số nội dung tại Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

>> Vẫn còn biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa vùng nông thôn

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

“Việc xây dựng Luật này cũng là môt cơ hội để chúng ta nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các quy hoạch đô thị và nông thôn dù đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại Dự thảo Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

“Theo Dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên? Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo…”, đại biểu đưa ra dẫn chứng

Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật phải được rà soát và làm rõ vấn đề này.

>> Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Kiến nghị cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội

Liên quan đến sự thống nhất với các quy định của luật khác, thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà cho biết, Dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có thời hạn 20 - 25 năm là phù hợp với lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch là 10 năm.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.

Đồng quan điểm, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đơn giản hoá hệ thống các quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất và dễ thực hiện của các quy hoạch.

đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

“Về thời kỳ quy hoạch, đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm; trong khi đó, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn 20 – 25 năm. Đây là nội dung kế thừa quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014”, đại biểu Thái Thị An Chung chia sẻ.

Theo đại biểu, sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp dự báo khó bảo đảm sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối các thành phố trực thuộc trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu để có giải pháp quy định một cách phù hợp hơn về vấn đề này.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Kiến nghị cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội

    Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Kiến nghị cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội

    05:00, 17/04/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông

    Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông

    04:00, 28/11/2023

  • Quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị

    Quy định mới về nguyên tắc lập quy hoạch đô thị

    01:00, 21/06/2023

  • Hướng tới quy hoạch đô thị tích hợp

    Hướng tới quy hoạch đô thị tích hợp

    15:10, 30/11/2022

  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật quy hoạch đô thị, nông thôn

    Hoàn thiện hệ thống pháp luật quy hoạch đô thị, nông thôn

    10:12, 04/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn: Cần thống nhất và tránh chồng chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO