Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế mạnh hơn trong phân cấp, phân quyền

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 17/09/2023 04:00

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm tối đa thuận lợi trong phân cấp, phân quyền…

>> Sửa Luật Thủ đô: Cần quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ

Nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 quan điểm gồm: thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012.

Theo đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 7 Chương, 59 Điều (tăng 3 Chương, 32 Điều so với Luật Thủ đô năm 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều, sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều).

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là trao quyền cho thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ - Ảnh minh họa

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là trao quyền cho TP. Hà Nội được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ - Ảnh minh họa

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là trao quyền cho TP. Hà Nội được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, để thúc đẩy Thủ đô phát triển, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần đẩy mạnh hơn nữa trong trao quyền cho Thành phố.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Nguyễn Ngọc Bích - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, theo Dự thảo chính quyền Hà Nội được xác định gồm ba cấp: cấp thành phố, cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường, thị trấn, tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, không tổ chức HĐND quận, phường giúp cho tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hiệu quả hơn, tiết kiệm ngân sách hơn.

Vì thế, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần “mạnh dạn” xác định mô hình tổ chức chính quyền trong đó không tổ chức HĐND tại quận và phường. Khi không tổ chức HĐND ở quận thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận sẽ do HĐND TP. Hà Nội; UBND, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và UBND, Chủ tịch UBND quận thực hiện.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Bích, quy định về tổ chức chính quyền tại TP. Hà Nội chỉ có những quy định về chính quyền đô thị mà không có quy định về chính quyền nông thôn là chưa bảo đảm toàn diện, thống nhất. Để bảo đảm toàn diện, tại Điều 9 dự thảo nên bổ sung quy định: “Chính quyền tại huyện, xã, thị trấn được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tại huyện, xã, thị trấn theo các quy định tương ứng của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và theo sự phân cấp, ủy quyền của HĐND, UBND TP. Hà Nội”.

>> Sửa Luật Thủ đô: Cần tách bạch chính sách phát triển giao thông công cộng

Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy Thủ đô phát triển, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần đẩy mạnh hơn nữa trong trao quyền cho TP. Hà Nội - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy Thủ đô phát triển, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần đẩy mạnh hơn nữa trong trao quyền cho TP. Hà Nội - Ảnh minh họa

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc thành lập Thành phố thuộc TP. Hà Nội là thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị mới, ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển, tuy nhiên, với các quy định như trong Dự thảo thì chưa phản ánh được nét riêng đặc thù này. Chính vì vậy, HĐND thành phố thuộc thành phố Hà Nội cần được phân quyền hơn nữa.

“Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP. Hà Nội theo Điều 10 đang được Dự thảo theo hai phương án. Nếu lựa chọn phương án 1: “Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã” thì HĐND chỉ được quyết định cơ quan chuyên môn về hai lĩnh vực. Nếu trong quá trình phát triển có lĩnh vực mới nảy sinh thì quy định này sẽ không còn đáp ứng được.

Còn phương án 2: “Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù về lĩnh vực an toàn thực phẩm; quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã” nếu lựa chọn sẽ thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố trong tổ chức bộ máy. Đồng thời, dễ thích ứng với sự thay đổi của tình hình thực tế hơn”, TS. Nguyễn Ngọc Bích góp ý.

Còn theo TS. Hoàng Thị Ngân - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho HĐND, UBND Thành phố là phù hợp với định hướng chính sách của Dự án Luật này.

Bà Ngân cho rằng, thủ tục để thực hiện ủy quyền bao quát nhiều vấn đề pháp lý, kể cả điều kiện, phạm vi, hậu quả của ủy quyền và cả các bảo đảm về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền. Hiện nay, Luật ban hành quyết định hành chính đang được nghiên cứu xây dựng và đặt ra nhiều vấn đề về ủy quyền. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định “UBND TP. Hà Nội quy định trình tự giải quyết các thủ tục hành chính để thực hiện việc ủy quyền” và cũng cần làm rõ phạm vi của giải quyết các thủ tục hành chính.

Cùng với các góp ý đã nêu, nhiều ý kiến cũng chung quan điểm, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Thành phố trên tất cả lĩnh vực, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để tạo cơ chế đột phá cho Hà Nội, xứng với tiềm năng phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, cho ý kiến thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, “hồn cốt” của Luật Thủ đô là vấn đề phân quyền, để từ đó có những cơ chế, chính sách đặc thù nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc, quan điểm đã đề ra. Đồng thời, phân cấp, phân quyền có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, các cơ chế, chính sách đặc thù phải gắn với nguồn lực thực hiện nên cần tránh tình trạng đưa vào quá nhiều nội dung cơ chế chính sách, không đưa vào thì sợ thiếu mà đưa vào lại không thực hiện được.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ

    Sửa Luật Thủ đô: Cần quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ

    05:00, 09/09/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần tách bạch chính sách phát triển giao thông công cộng

    Sửa Luật Thủ đô: Cần tách bạch chính sách phát triển giao thông công cộng

    03:50, 11/08/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch

    Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể hơn về vấn đề xây dựng, quy hoạch

    04:00, 05/08/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Băn khoăn đề xuất chuyển bệnh viện Trung ương cho Hà Nội quản lý

    Sửa Luật Thủ đô: Băn khoăn đề xuất chuyển bệnh viện Trung ương cho Hà Nội quản lý

    04:10, 03/08/2023

  • Sửa Luật Thủ đô - Tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô bứt phá

    Sửa Luật Thủ đô - Tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô bứt phá

    03:50, 26/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thủ đô: Cần cơ chế mạnh hơn trong phân cấp, phân quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO