Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung

ANH KHÔI 03/03/2024 03:30

Bên cạnh việc duy trì thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), VCCI cũng đề nghị, nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung…

>> Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trên cơ sở tham vấn các doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) - (Dự thảo).

góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), VCCI cũng đề nghị, nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), VCCI đề nghị, nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung - Ảnh minh họa: ITN

Tại văn bản này, ngoài đề xuất cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh; duy trì thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu, VCCI cũng đề nghị cho phép hạch toán tập trung đối với các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn kinh tế.

Cụ thể, góp ý về vấn đề này, VCCI cho biết, một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng bất bình đẳng về thuế giá trị gia tăng (GTGT) khi tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình tập đoàn kinh tế. Ví dụ, một doanh nghiệp trong ngành sữa phản ánh:

Đầu vào của họ gồm nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế 10%. Sản phẩm trung gian là sữa tươi thuộc diện không chịu thuế. Đầu ra cuối cùng là các sản phẩm đã qua chế biến, chịu thuế suất 10%. Nếu một doanh nghiệp thực hiện cả hai công đoạn, nuôi bò và chế biến sữa thì sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, khi chuyển sang hình thức tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp này tách thành một công ty chuyên sản xuất sữa tươi nguyên liệu và một công ty chuyên chế biến sữa. Lúc này, công ty thứ nhất không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì sản phẩm đầu ra thuộc diện không chịu thuế. Công ty thứ hai có đầu vào là sữa tươi nên không được khấu trừ khi nộp thuế đầu ra. Hệ quả là, khi chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn.

Theo VCCI, vấn đề này không chỉ xuất hiện ở ngành sữa mà là vấn đề của nhiều ngành khác mà có sản phẩm trung gian thuộc diện không chịu thuế. Trong những trường hợp như vậy, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên các doanh nghiệp sẽ giảm động lực tổ chức theo mô hình tập đoàn kinh tế.

Trong khi đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ quan điểm khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân. Mô hình tổ chức kinh doanh theo tập đoàn kinh tế (công ty mẹ – con), thay vì một công ty cùng lúc thực hiện nhiều công đoạn sản xuất, giúp giảm rủi ro và tăng tính linh hoạt, phù hợp hơn khi doanh nghiệp phát triển quy mô sản xuất kinh doanh lớn.

Để giải quyết vấn đề này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế cho phép các doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình tập đoàn kinh tế được phép hạch toán tập trung cả tập đoàn, thay vì hạch toán riêng từng công ty con như hiện nay. Một cơ chế như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp không phải nộp nhiều thuế hơn khi chuyển sang mô hình tập đoàn kinh tế.

>> Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ

Cùng với đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung Điều 7.1.c theo hướng hàng hoá dịch vụ dùng để tặng cho biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng không - Ảnh minh họa: ITN

Cùng với đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung Điều 7.1.c theo hướng hàng hoá dịch vụ dùng để tặng cho biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng không - Ảnh minh họa: ITN

Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý quy định về hàng hoá dịch vụ biếu tặng cho với mục đích từ thiện, VCCI cho rằng, hiện nay, hàng hoá, dịch vụ thuộc diện biếu tặng cho trong nước vì mục đích từ thiện vẫn thuộc diện chịu thuế với giá tính thuế được xác định bằng với giá của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động này. Dự thảo mới chỉ coi hàng hoá nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm hoạ dịch bệnh, chiến tranh được xếp vào diện không chịu thuế. Nói cách khác, hàng hoá cho biếu tặng với mục đích từ thiện nhập khẩu thì không phải chịu thuế GTGT, còn hàng hoá dịch vụ cho biếu tặng trong nước vì mục đích từ thiện vẫn phải chịu thuế.

Quan điểm, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội. Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương có nội dung “khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện cũng đã coi chi phí ủng hộ địa phương đoàn thể, tổ chức xã hội, chi từ thiện… là chi phí được trừ.

“Trong trường hợp doanh nghiệp cho biếu tặng hàng hoá, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nếu phải nộp thuế GTGT cho lượng hàng hoá, dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác. Trong trường hợp thiên tai địch hoạ khẩn cấp, như dịch bệnh COVID vừa qua, không ít doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường để chuyển sang cung cấp hàng hoá, dịch vụ phục vụ chống dịch và tặng luôn cho Nhà nước. Nếu khi đó vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thì sẽ rất bất hợp lý”, VCCI nhìn nhận.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung Điều 7.1.c theo hướng hàng hoá dịch vụ dùng để tặng cho biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng không.

Ngoài ra, về quy định thuế GTGT của doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng vào nội địa, góp ý cho nội dung này, VCCI cho biết, một số doanh nghiệp chế xuất hiện phản ánh tình trạng họ đang phải nộp thuế giá trị gia tăng hai lần cho cùng một lượng hàng hoá bán vào nội địa.

Theo đó, khi doanh nghiệp trong khu chế xuất bán hàng hoá vào nội địa sẽ phải mở tờ khai nhập khẩu và (doanh nghiệp đó hoặc người nhập khẩu) phải nộp thuế GTGT một lần cho lượng hàng hoá này. Cơ quan thuế sau đó vẫn yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế GTGT cho lượng hàng hoá này.

“Về vấn đề này, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ theo hướng doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng hoá vào nội địa sẽ phải nộp thuế GTGT khi làm thủ tục hải quan mà không phải nộp thuế GTGT cho hàng hoá đó theo kỳ tính thuế nữa”, VCCI góp ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cần duy trì thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu

    Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cần duy trì thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu

    12:04, 01/03/2024

  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế

    Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế

    04:00, 20/12/2023

  • Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ

    Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ

    17:53, 26/10/2023

  • Chống thất thup/thuế giá trị gia tăng

    Chống thất thu thuế giá trị gia tăng

    15:11, 14/09/2023

  • Sớm sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Sớm sửa Luật Thuế giá trị gia tăng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    04:00, 12/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO