Xoay quanh câu chuyện sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, trước những bất cập của hàng loạt quy định, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi cần lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp…
>> Năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?
Theo đó, trong những nội dung tại Dự thảo tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật thuế thu nhập cá nhân đã được đề xuất sửa đổi.
Đặc biệt, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận trong đề xuất sửa đổi Luật lần này là việc có thể nghiên cứu để giảm số bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương từ 7 xuống còn 5 bậc.
Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, khoản 2 điều 22 của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế…
Trước đề xuất đã nêu, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tinh thần chung khi đã điều chỉnh thì nên điều chỉnh đầy đủ và toàn diện vì Luật Thuế thu nhập cá nhân tác động đến nhiều đối tượng.
Theo ông Nghĩa, hiện biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc, mỗi bậc cách nhau 5%. Như vậy nếu bỏ 2 bậc mà vẫn giữ mức cách biệt 5% như hiện nay thì mức thuế suất cao nhất sẽ về mức 25% thay vì 35%.
Với hướng điều chỉnh này thì chỉ tác động đến đối tượng tốp trên, tức nhóm có thu nhập cao, còn những người làm công ăn lương có mức thu nhập thấp hơn sẽ không được hưởng lợi gì. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này giúp thuế suất thuế thu nhập cá nhân cũng phù hợp hơn với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay.
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh cần sát với thực tế
“Theo tôi, nếu chỉ giảm 2 bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần là không đủ, vì chỉ giải quyết cho nhóm thu nhập cao. Do vậy song song với biện pháp này cần xem xét mức giảm trừ gia cảnh, vì mức 11 triệu đồng/tháng với người lao động và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc đã quá lạc hậu trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải điều chỉnh theo hướng mức giảm trừ không cố định mà tính bằng 4 - 5 lần lương tối thiểu vùng”, ông Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa cũng kiến nghị, bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh cần giảm trừ thêm các chi phí hợp lý khác như tiền học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, lãi vay mua căn nhà đầu tiên...
Cùng chung quan điểm đã nêu, chuyên gia thuế - Nguyễn Thái Sơn cũng cho hay, ở nước ngoài các chi phí sinh hoạt cá nhân có chứng từ đều được giảm trừ khi tính thuế như: chi phí ăn uống, đi lại, học hành, sách vở trong khi ở Việt Nam thì lại khống chế bằng một con số cố định. Như vậy là cào bằng giữa người ở đô thị và nông thôn, cào bằng giữa các đối tượng nộp thuế bất kể tính chất công việc, cuộc sống... Trên thực tế người làm công ăn lương trong suốt hai năm dịch COVID-19 lại là đối tượng bị siết thuế vì quy định “khấu trừ tại nguồn”. Đây cũng là đối tượng dễ quản lý thuế nhất.
Vì thế, trên quan điểm nuôi dưỡng nguồn thu, cơ quan thuế cũng cần hướng đến những đối tượng khác trong mảng thương mại điện tử, đặc biệt là các cá nhân bán hàng qua mạng với nhiều trường hợp có doanh thu khủng, thu nhập rất cao nhưng vẫn bị bỏ lọt hoặc thu thuế không bao nhiêu. Nguồn thu này nếu khai thác được sẽ dư sức bù đắp cho việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng như tăng giảm trừ cho người làm công ăn lương để cuộc sống của họ dễ thở hơn.
Còn theo đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được xây dựng từ cách đây khá lâu, có những điểm bất cập, hạn chế cần xem xét, cân nhắc, tính toán điều chỉnh cho phù hợp hơn. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh là một trong những yếu tố cần phải xem xét, sửa đổi. Vì thực tế kinh tế - xã hội phát triển, năng suất lao động, thu nhập của người dân tăng lên, tuy nhiên, giảm trừ gia cảnh vẫn tính theo mức cố định, như vậy không hợp lý.
Do đó nên nghiên cứu để có phương án nâng lên nhưng cần phải theo được sự biến động của thu nhập, kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hiện nay có quá nhiều bậc tính thuế, chênh lệch giữa các bậc còn lớn, vì vậy cần thiết phải nâng mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân, tính toán lại các bậc thang, mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với mức độ, quy mô, tính chất nền kinh tế cũng như đời sống của người dân, xã hội.
Xoay quanh câu chuyện thuế thu nhập cá nhân, trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với tình hình phát triển của nền kinh tế - xã hội cũng như mức tăng thu nhập người dân, biến động tăng của lạm phát trong thời gian qua thì việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là rất cần thiết. Thêm vào đó nếu có thể trình Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2024 thay vì như đề xuất dự kiến hiện nay là năm 2025 thì tốt hơn. Việc sửa đổi sớm sẽ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?
14:00, 29/01/2023
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng có lợi cho người lao động
03:00, 28/01/2023
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Mức giảm trừ gia cảnh cần sát với thực tế
03:30, 13/01/2023
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đừng để nối dài bài ca… “lạc hậu”
05:30, 13/12/2022
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ "tư duy… đánh thuế"
04:00, 12/12/2022