Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Để chính sách thuế thu nhập cá nhân phù hợp, bám sát với thực tế cuộc sống, chuyên gia cho rằng, nên áp dụng mức tính giảm trừ gia cảnh linh hoạt thay vì chờ biến động CPI…
l>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ "tư duy… đánh thuế"
Xoay quanh những bất cập của chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN), vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm đó là mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, thực tế, 2 năm vừa qua, trong khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng, việc duy trì mức thuế TNCN hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, thu thuế TNCN năm 2021 đạt khoảng 123.000 tỷ đồng (vượt dự toán và tăng 6,6% so với năm 2020). Thu từ thuế TNCN chiếm 10% tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2021, đứng thứ ba sau thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đặc biệt, số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thuế năm 2022 cũng cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022 số thu thuế TNCN đã ước đạt 152.123 tỷ đồng (bằng 128,8% dự toán, bằng 130,1% so với cùng kỳ).
Từ đó, có thể thấy nguồn thu thuế TNCN luôn cao và vượt dự toán, trong khi, đời sống của người nộp TNCN, đặc biệt, là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mức giảm trừ gia cảnh lại không có sự biến động.
Thực tế, trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 01 lần vào giữa năm 2020.
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Tránh trường hợp thua lỗ vẫn phải nộp thuế
Trước thực tế đã nêu, thông tin với báo chí PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc sửa thuế TNCN có thể chậm nhưng phải chắc. Năm 2024 hay 2025 có thể sửa Luật thuế này nhưng trên nguyên tắc phải đáp ứng được mong mỏi của người lao động và người đóng thuế, đừng để mỗi lần nói đến thuế TNCN là người người, nhà nhà than phiền.
“Cách điều hành cũng như việc xây dựng luật thuế TNCN của Tổng Cục Thuế thời gian qua có vấn đề, chỉ tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc. Cứ điều hành thuế theo lạm phát là không được vì theo mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên, sau một năm từ cơm no áo ấm người dân muốn đi du lịch, muốn vui chơi. Mỗi thứ một năm một khác tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát.
Các nước khác tiến tới giảm dần mức thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Đương nhiên, việc anh có thu nhập “khủng”, tiền nhiều thì cũng phải đóng góp trách nhiệm cho xã hội bằng cách nộp thuế nhưng đừng nên nghĩ rằng, cứ thấy ai giàu là “đè ra” thu thuế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, người làm chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người dân lao động sáng tạo.
Còn theo ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, thực ra Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế đang áp dụng cách tính dựa vào luật. Về lý mà nói, cách tính này hiện nay đang làm đúng luật. Đúng luật nhưng lại chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống.
Muốn hợp lý chúng ta phải sửa đổi toàn bộ, bởi luật quy định khi CPI tăng 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên chờ được lạm phát thay đổi được đến mốc ấy thì thời gian quá dài.
Chưa kể, mỗi năm đời sống của người dân lại thay đổi nên áp dụng mức tính giảm trừ gia cảnh như hiện nay gây thiệt cho người lao động. Mặt khác, việc chia làm 7 bậc là tương đối nhiều nên tính toán phức tạp và khó khăn, do đó, nên rút ngắn xuống còn 4 - 5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề xuất, có thể cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động là chuyên gia có trình độ tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực. Ví dụ, một chuyên gia nước ngoài đi làm với cùng điều kiện lao động và cùng mức thu nhập 10.000 USD tại Việt Nam và ở Singapore nhưng tại Singapore thuế TNCN chỉ mức 22% thì họ sẽ lựa chọn Singapore thay vì Việt Nam với mức 35%. Mặc khác, hiện nay cũng có tình trạng chuyên gia nước ngoài được trả thu nhập hai nơi là Việt Nam và nước ngoài. Như vậy, nếu chúng ta giảm mức thuế suất TNCN xuống thấp hơn các nước trong khu vực thì người lao động sẽ có xu hướng chuyển thu nhập về Việt Nam.
Về bản chất, Thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần khẩn trương rà soát, sửa đổi chính sách thuế TNCN, kịp thời hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng làm công ăn lương còn gặp nhiều khó khăn, góp phần hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Chính phủ là “người dân là trên hết, trước hết”.
Đặc biệt, việc rà soát, điều chỉnh cũng cần nhanh chóng nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân lao động và chính sách thuế không tiếp tục nối dài bài ca “lạc hậu” so với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ "tư duy… đánh thuế"
04:00, 12/12/2022
Thuế thu nhập cá nhân - Cần cho phép khấu trừ chi phí hợp lý
03:50, 07/12/2022
Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống
04:00, 06/12/2022
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh
06:44, 02/12/2022
Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân
03:50, 01/12/2022