Dù giá vàng quốc tế tiếp tục điều chỉnh, tích luỹ trong ngắn hạn, nhưng vẫn còn động lực lớn tăng giá trong dài hạn.
>> Kinh tế Mỹ nguy cơ đình lạm, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Trong tuần này, giá vàng quốc tế tiếp tục tăng từ mức 2.291 USD/oz lên mức 2.378 USD/oz và đóng cửa ở mức 2.360 USD/oz. Giá vàng quốc tế tăng do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt lên 231.000, khiến nhiều người lo ngại thị trường lao động Mỹ sẽ ngày càng bất ổn, buộc FED phải sớm cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan cho thấy sự lạc quan của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, trong khi kỳ vọng lạm phát tăng lên mức cao gần hai năm. Đây cũng là tham chiếu đáng chú ý với FED trong điều hành chính sách tiền tệ.
Diễn biến trên đã làm tăng kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất trong năm nay lên 2 lần, thay vì 1 lần, thậm chí không cắt giảm lãi suất mà nhiều chuyên gia nhận định thời gian qua.
Trong khi đó, tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng đã liên tục “nhảy múa” điên loạn trong ngày qua. Giá vàng miếng SJC có thời điểm vượt qua mốc 92 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi gần 20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến nhiều người cho rằng đầu thầu vàng chỉ như “muối bỏ biển”, không có tác dụng kéo giá vàng miếng SJC sát lại với giá vàng quốc tế quy đổi. Do đó, NHNN cần tính tới phương án khác để điều tiết thị trường vàng, đặc biệt là trong dài hạn, trong đó có việc nghiên cứu thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.
Giá vàng trong nước liên tục lên cơn sốt, khiến nhiều người xếp hàng chờ mua vàng SJC, nhưng sau đó cũng đành ra về, vì nhiều cửa hàng vàng thông báo hết vàng miếng SJC. Thậm chí đối với vàng nhẫn, nhiều cửa hàng vàng cũng chỉ bán tối đa 3 chỉ vàng 9999 cho mỗi khách hàng. Điều này cho thấy nguồn cung vàng trong nước đang khan hiếm đến mức báo động.
>> FED đối mặt nhiệm vụ kép “khó nhằn”, giá vàng sẽ ra sao?
Các yếu tố tác động đến triển vọng chính sách tiền tệ của FED tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vàng. Trong đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ được công bố tuần tới dự kiến tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu CPI tăng mạnh hơn dự kiến, đặc biệt là kỳ trước là 3,5%, thì sẽ làm giảm bớt kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất, khiến giá vàng tuần tới chịu áp lực. Ngược lại, nếu CPI giảm so với dự kiến, thì sẽ tăng kỳ vọng FED giảm lãi suất, đẩy giá vàng tuần tới tăng cao hơn nữa.
Cùng với dữ liệu CPI của Mỹ, một số nhà kinh tế cho biết dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 4 của Mỹ được công bố tuần tới cũng sẽ thu hút sự chú ý của thị trường. Người tiêu dùng thường ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế như khảo sát nói trên của Đại học Michigan, thì sẽ chi tiêu ít hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, khiến FED phải có chính sách tiền tệ phù hợp.
Dù giá vàng quốc tế có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích luỹ trong ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia dự báo giá vàng quốc tế sẽ còn động lực tăng cao hơn nữa trong dài hạn, có thể sẽ vượt xa mức đỉnh cao 2.431 USD/oz được thiết lập vào đầu tháng 4 vừa qua khi FED khó cưỡng lại việc phải cắt giảm lãi suất; các ngân hàng trung ương không ngừng mua vào; USD tiềm ẩn nguy cơ giảm giá do khối nợ của Mỹ ngày càng phình to, nhưng các cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục thất bại…
Ông Peter Granditch, chuyên gia tài chính và chiến lược thị trường, cho biết rủi ro đối với giá vàng vẫn còn trong ngắn hạn do lãi suất của FED đã lên đỉnh mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nhà đầu tư nên kiên nhẫn. “Giá vàng có thể giảm xuống thấp hơn so với mức thấp gần đây, nhưng mục tiêu lâu dài của tôi là 2.536 USD/oz rất dễ đạt được nhất trong năm nay”, ông Peter Granditch nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới: Hé lộ “đòn bẩy” khó lường
04:20, 14/04/2024
Giá vàng tuần tới: 3 đòn bẩy đáng chú ý
11:20, 07/04/2024
Giá vàng tuần tới: Rủi ro nào tiềm ẩn?
04:20, 31/03/2024
Giá vàng tuần tới: Coi chừng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược!
11:20, 24/03/2024
Giá vàng tuần tới: FED sẽ bớt “diều hâu”?
04:20, 17/03/2024
Giá vàng tuần tới: “Giật mình” với áp lực lạm phát
04:20, 18/02/2024