Doanh nghiệp

Tác động từ bão Yagi "đậm nét", tăng trưởng GDP quý III “chậm lại”

Thy Hằng 06/10/2024 00:32

Khối các Ngân hàng quốc tế nhận định tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam chậm lại ở mức 5,1%-5,7%.

Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam. Trong đó, dự báo tăng trưởng GDP Quý 3 của Việt Nam sẽ đạt 5,1% so với cùng kỳ (mức tăng GDP trong Quý 2 đạt 6,9%).

pic-1.jpg
Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Quý 3 của Việt Nam sẽ đạt 5,1%.

Theo các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo đạt 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 9 ( tháng 8 đạt 7,9%), tăng trưởng xuất khẩu đạt 6,2% so với cùng kỳ trong tháng 9 ( tháng 8 đạt 14,5%), và xuất khẩu điện tử sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng lần lượt 4,0% ( tháng 8 đạt 12.4%) và 4,2% ( tháng 8 đạt 9,5) so với cùng kỳ trong tháng 9. Thặng dư thương mại hàng tháng có thể giảm xuống còn 2,5 tỷ USD ( tháng 8 đạt 4,5 tỷ USD); Việt Nam đã ghi nhận nhiều tháng thặng dư trong năm nay và khu vực ngoại thương vẫn tương đối ổn định. Nguồn vốn FDI giải ngân tăng 8,0% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2024, trong khi FDI cam kết tăng 7,0% so với cùng kỳ, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất.

Lạm phát có thể ở mức 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 9, so với mức 3,5% trong tháng 8, đánh dấu đây là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát dưới mức 4%. Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và vận chuyển đã giữ mức lạm phát trên 4% cho đến thời gian gần đây và có thể là nguyên nhân gây áp lực gia tăng lạm phát trong những tháng tới.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Tăng trưởng tín dụng đang chậm lại (7.4% so với cùng kỳ tính đến ngày 17/09/2024, so với mức trung bình 9.0% trong giai đoạn tương tự trong thời gian từ 2013 đến 2023). Dự báo của chúng tôi về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong Quý 4 có thể sẽ thay đổi, trong bối cảnh lạm phát giảm gần đây, đồng Việt Nam (VND) tăng giá trong Quý 3 và nền kinh tế tăng trưởng chậm.

Trong khi đó, nhận định mới đây của Ngân hàng UOB cũng tương đối tương đồng khi cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại ở mức 5,7%, đã giảm so với mức 6,0% trước đó vì UOB cho rằng những tác động từ bão Yagi sẽ rõ rệt hơn ở quý III và IV. Đối với quý IV ngân hàng này thậm chí nhận định mức tăng chỉ là 5,2%, giảm so với mức 5,4% dự báo trước đó.

“Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm của chúng tôi cho năm 2024 được hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%). Đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023”, UOB cho biết.

Có thể thấy, bão Yagi đã gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp và nền kinh tế. Trước đó đà tăng trưởng kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã vượt trội hơn so với các nước lân cận trong khu vực ASEAN kể từ tháng 6/2024. Sản lượng sản xuất ghi nhận bốn tháng liên tiếp tăng trưởng hai chữ số (so với cùng kỳ năm trước) từ tháng 5 đến tháng 8.

Đồng thời, xuất khẩu ghi nhận mức tăng hai chữ số (so với cùng kỳ năm trước) trong 7 trên 8 tháng đầu năm, với thặng dư thương mại đạt 18,5 tỷ USD tính đến hết tháng 8. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu vượt hoặc ít nhất là bằng mức thặng dư thương mại kỷ lục 28,4 tỷ USD vào năm 2023.

van-hanh-day-chuyen-san-xua.jpg
Sản xuất của doanh nghiệp đang trên đà phục hồi lại bị tác động mạnh mẽ bởi bão Yagi.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, doanh số bán lẻ đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng là 8,8% so với cùng kỳ, mặc dù có mức cơ sở cao vào năm 2023.

Bên cạnh đó, dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Tính đến hết tháng 10, dòng vốn FDI thực hiện tăng 8% lên 14,2 tỷ USD và nếu đà tăng này tiếp tục, dòng vốn FDI cả năm có khả năng đạt trên 20 tỷ USD trong năm thứ ba liên tiếp (năm 2023 đạt 23,2 tỷ USD).

Triển vọng FDI rất mạnh mẽ, với dòng vốn FDI đã đăng ký là 20,5 tỷ USD tính đến tháng 8 (cao hơn 7% so với mức 19,2 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023), với gần 70% nằm trong lĩnh vực sản xuất. Tính đến hết tháng 10, khoảng 33% FDI đăng ký đến từ Singapore, tiếp theo là Nhật Bản (12%).

Tuy nhiên, những tác động từ bão Yagi được cho là tiếp tục "đậm nét" trong 2 quý cuối năm. Chính phủ đã phải đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. Ngân hàng UOB đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

“Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) công bố cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng và áp lực đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự”, UOB cho biết.

Dù vậy, các chuyên gia của UOB cho rằng cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% đạt mức 24.630/USD. Đồng thời, áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang bắt đầu giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND.

Bên cạnh đó, bất chấp ảnh hưởng của cơn bão, UOB cho rằng đà tăng trưởng của Việt Nam được dự báo tiếp tục mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại, có nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tác động từ bão Yagi "đậm nét", tăng trưởng GDP quý III “chậm lại”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO