TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hạ nhiệt lãi vay

LÊ MỸ 27/05/2023 11:24

Thông tin hết sức tích cực trong tuần này là cùng với quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã nêu kế hoạch hạ lãi vay.

>> NHNN hạ lãi suất điều hành: Tích cực dài hạn

Lãi vay có xu hướng hạ nhiệt

Cụ thể, được biết trong cuộc họp với các tổ chức tín dụng ngày 25/5, NHNN đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay. Theo đó, nhóm các NHTM dự kiến sẽ giảm từ 0,3-0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ 29/5.

Các NHTM dự kiến sẽ hạ lãi suất vay cho các khoản nợ hiện hữu từ mức 0,3-0,5% từ ngày 19/5. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Các NHTM dự kiến sẽ hạ lãi suất vay cho các khoản nợ hiện hữu từ mức 0,3-0,5% từ ngày 29/5. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Trước đó, nhiều NHTM cũng đã có các chính sách tự điều chỉnh giảm lãi suất vay cho khách hàng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, người được bổ nhiệm làm TGĐ Vietcombank vào cuối tháng 1/2023  khẳng định: Năm 2023 Vietcombank tiếp tục cam kết sẽ là ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn.

Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ 1/1 – 30/4 Vietcombank giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, nhà băng này đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ. 

Ngoài Vietcombank, 1 số NH cũng đã chủ động giảm lãi suất như Agribank giảm 0,5% lãi suất với khoản vay trung dài hạn từ 15/5 đến hết 30/9; ACB giảm từ 0,5% đến 2% cho khách hàng cũ có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất…

Đến 12/5/2023, NHNN cho biết lãi vay đã giảm khoảng 0,4%. 

>>Hạ lãi suất điều hành: Nền kinh tế cần thời gian thẩm thấu

Thống kê của NHNN về diễn biến lãi suất trong tháng 4 cho thấy, Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ bằng VND ở mức 9,6-11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN. Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 - 5,7%/năm đối với ngắn hạn; 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn. 

Như vậy, với mức giảm lãi suất vừa qua và dự kiến mức giảm lãi suất vay từ 0,3-0,5% như các NHTM sẽ áp dụng, doanh nghiệp và người dân đang có dư nợ vay sẽ được giảm bớt chi phí vay nhất định và có thể tiếp cận tín dụng tốt hơn.

Nhưng vẫn còn áp lực lãi suất cao

Tuy nhiên nếu xét theo mặt lãi suất vay hiện nay, nếu lãi suất các khoản vay hiện hữu bằng VND sau khi giảm về mức 9,1% - 10,7%, đây vẫn là mức lãi suất cao và tạo áp lực không nhỏ cho các bên, đặc biệt nhóm có các khoản vay sắp đến kỳ thanh toán nhưng lại đang cạn dòng tiền và chưa có các khoản thu nhập để quay vòng, đảm bảo khả năng thanh toán.

Với các doanh nghiệp khó khăn đơn hàng, đến kỳ thanh toán lãi, lương nhân công, áp lực vẫn cao khi cạn dòng tiền và chi phí lãi (nếu được giảm) vẫn cao

Với các doanh nghiệp khó khăn đơn hàng, đến kỳ thanh toán lãi, lương nhân công, áp lực vẫn lớn trong bối cảnh cạn nguồn tiền và chi phí lãi (nếu được giảm) vẫn cao. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Do đó, các doanh nghiệp đặc biệt kỳ vọng cùng với việc rút ngắn độ trễ sau 3 đợt NHNN giảm lãi suất điều hành và các NHTM đã liên tục giảm lãi suất đầu vào, khả năng lãi suất vay cũng sẽ tiếp tục “dễ thở” hơn sau 29/5 và “điểm rơi” lãi suất vay thấp hơn nữa sẽ vào tháng cuối quý II. 

Về đợt hạ lãi suất thứ 3, ông Lê Quang Vinh, Phó TGĐ Vietcombank chia sẻ qua cuộc họp với NHNN, khi so sánh với mức cho vay hiện nay, khi mặc bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, TGĐ TienphongBank cho rằng với quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN, chắc chắn trong thời gian tới lãi suất sẽ hạ xuống và chi phí vốn cũng hạ.

Theo ông Hưng. “các NHTM đã cố gắng tiết kiệm vốn và chi phí tối đa để có cơ hội giảm lãi suất nhưng cái lớn nhất trong khấu phần lãi suất cho vay là chi phí vốn. Nếu giảm được chi phí vốn các NH rất có cơ hội giảm đáng kể hơn lãi suất cho vay. Nếu vậy cũng tôi cũng đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn, hạ lãi suất cho vay xuống để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn”. 

TGĐ TienphongBank nhận định: Một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng.

Ông Phạm Như Ánh- TGĐ NH TMCP Quân Đội, cho biết từ đầu năm đến nay MB cũng đã tung ra 120.000 tỷ các gói tín dụng lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Trong thời gian vừa rồi MB cũng đã giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng với số tiền lên tới 500 tỷ đồng cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của  Chính phủ và NHNN. Ngay sau khi NHNN giảm lãi suất huy động lần này thì MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.

“Tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5%, chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tin dụng tốt hơn trong các tháng còn lại. Dự kiến hết tháng 6 tốc  độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%”, ông Ánh nói.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù thị trường đang rất kỳ vọng về khả năng hạ nhiệt lãi suất vay thấp hơn nữa trong thời gian sớm tới đây, nhưng xu hướng hạ nhiệt dù vậy vẫn cần thêm thời gian. Bởi các NHTM đã có một giai đoạn từ nửa cuối năm 2022 và đầu 2023 phải huy động phải huy động phải lãi suất cao, hiện các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này, do đó chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức. Đáng chú ý là ngay cả khi các ngân hàng huy động lãi suất cao và tiền gửi tăng trưởng vào hệ thống, tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở một số NHTM vẫn chưa cân đối, về thấp được.

Bên cạnh đó, sau quyết định hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi huy động kỳ hạn ngắn mới nhất của NHNN có hiệu lực từ 25/5, dù một loạt NHTM đều đã điều chỉnh biểu lãi suất niêm yết của mình, nhưng lãi suất huy động kỳ hạn dài của huy động mới thực tế vẫn chưa thể hạ xuống phổ biến trong hệ thống dưới mức 7,5%. Chỉ khi mức lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên về mức 7%, thì lúc đó chi phí vay của nền kinh tế mới thực đi xuống, một chuyên gia cho biết. 

Cũng theo đó, ông này cho rằng đặt trong bối cảnh chung tuy Việt Nam không chịu áp lực lạm phát, mà lúc này áp lực hỗ trợ tăng trưởng còn nặng hơn, nhưng việc phải luôn có trạng thái linh hoạt để ứng phó với mọi rủi ro tài chính từ bên ngoài, đặc biệt là khi nội tại tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trước nay đang phụ thuộc lớn vào tín dụng khiến tỷ lệ tín dụng/ GDP cao, cơ quan điều hành cũng sẽ phải rất thận trọng với chính sách, cung tiền. Theo đó, sẽ rất khó để kỳ vọng lãi suất vay trung và dài hạn về được mức 7-8%. 

Đề cập riêng với tín dụng dành cho bất động sản, TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính - lưu ý, với các động thái và diễn biên hiện nay, có thể lãi suất dành cho các ngành sản xuất kinh doanh khác giảm nhưng lãi suất cho vay đối với bất động sản vẫn giữ rất cao. Dù ngân hàng có mở hầu bao cho vay đi nữa thì doanh nghiệp bất động sản cũng không vay được vì pháp lý không chạy.

Thông tin gửi báo chí sau cuộc họp với các NHTM, NHNN cho biết, thời gian tới, lạm phát toàn cầu được dự báo duy trì ở mức cao, các NHTW tiếp tục thắt chặt CSTT; trong nước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản cùng xu hướng giảm nhưng LPCB vẫn tương đối cao. Do đó, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội chưa được giải ngân?

    Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội chưa được giải ngân?

    05:00, 25/05/2023

  • NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi vay, triển khai cơ cấu nợ

    NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi vay, triển khai cơ cấu nợ

    18:57, 24/05/2023

  • Hạ lãi suất, vẫn cần thêm “cú hích” tín dụng

    Hạ lãi suất, vẫn cần thêm “cú hích” tín dụng

    11:00, 26/05/2023

  • Khẩn trương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    Khẩn trương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

    16:48, 24/05/2023

  • “Chuyên biệt hóa” các gói hỗ trợ

    “Chuyên biệt hóa” các gói hỗ trợ

    13:30, 26/05/2023

  • Chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất

    Chuyển nguồn gói hỗ trợ lãi suất

    03:40, 08/05/2023

  • “Gỡ vướng” gói hỗ trợ lãi suất

    “Gỡ vướng” gói hỗ trợ lãi suất

    03:40, 17/03/2023







(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hạ nhiệt lãi vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO