Thế giới đã khép lại kỷ nguyên tiền rẻ được bung ra đỉnh điểm trong 2 năm COVID-19, bắt đầu từ các động thái nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương đầu năm nay.
>>> Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất: Chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch
Việt Nam cũng đã hòa nhịp thời kỳ thắt chặt tiền tệ mới, nâng tiền đắt lên với lãi suất tăng cao qua động thái mạnh tay có hiệu lực từ 23/9: Nâng lãi suất lên 100 điểm cơ bản với lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu (lần lượt là 5% và 3,5%), Lãi suất cho vay qua đêm (6%) và lãi suất tiền gửi tùy kỳ hạn tăng từ 0,3-1%.
Động thái này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được một số chuyên gia nhận định là một quyết định nhanh chóng, diễn ra 1 ngày ngay sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố lần thứ 3 liên tiếp giữ mức nâng lãi suất 75 điểm cơ bản và thậm chí sẽ hướng tới lãi suất 4,6%; cũng như diễn ra trong cùng ngày, ngay trong buổi chiều sau phiên họp Chính phủ sáng 22/9, nhận được yêu cầu của Thủ tướng về việc nghiên cứu nâng lãi suất điều hành, lãi suất huy động.
Gọi là quyết định nhanh chóng song thực tế NHNN đã có một thời gian sẵn sàng với các chuyển động cho đến thời điểm “gỡ nút thắt”. Qua đó, tháo sức ép lãi suất trên thị trường khi Việt Nam đã đến lúc khó có thể đứng ngoài làn sóng tăng lãi suất đã được tạo ra bởi 94 ngân hàng trung ương trên toàn cầu kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Trước đó, sự “nấn ná” khá lâu của NHNN trong vấn đề điều chỉnh nới thêm hạn mức tín dụng bổ sung cho các NHTM, đổi lại là điều tiết linh hoạt như mở lại kênh tín phiếu để hút thanh khoản, bơm ròng và bán ngoại tệ cho thị trường, tăng lãi suất OMO…, được đánh giá là biện pháp trung hòa trong ngắn hạn để nương giữ ổn định thông suốt hệ thống; đồng thời nhờ đó giảm áp lực, ổn định được tỷ giá USD/ VND, giúp VND vẫn là đồng tiền nội tệ có kỷ luật ổn định nhất khu vực.
>>>FED tăng lãi suất gây sức ép lên các nền kinh tế
Các biện pháp này cũng được xem là “phép thử” thị trường, “bài test” thị trường cho khả năng tiến tới nâng lãi suất điều hành của cơ quan quản lý.
Một tín hiệu khá khá rõ cũng được thị trường nhìn nhận là trước đó, các ngân hàng Big 4 Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank… với thị phần tín dụng lớn (đồng nghĩa sức ảnh hưởng thị trường cao), đã có sự điều chỉnh lãi suất huy động, tuy chậm và thấp hơn so với các ngân hàng thương mại. Song cũng theo đó, các ngân hàng thương mại trong nhiều tháng qua đã tiếp tục dấn đà tăng lãi suất không chỉ trên thị trường 1, thậm chí có thời điểm đẩy lãi suất trên thị trường 2, cho vay qua đêm lên tới trên 7%.
Tại tháng 9/2022, thời điểm trước khi NHNN tăng lãi suất điều hành với trần huy động tiền gửi mới, loạt các ngân hàng TMCP từ quy mô nhỏ đến lớn như SCB, BacABank, NCB, SeABank, VIB, VPBank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, VietABank, HDBank, TP Bank, KienlongBank, Nam A Bank, AB Bank, VietCapital Bank… đều đã tiếp tục điều chỉnh lãi suất tăng so với tháng 08/2022. Và sau 23/9, lãi suất huy động lại được hầu hết các ngân hàng trong nhóm trên nâng lên kịch trần. Các chuyên gia dự báo cuộc đua tăng lãi suất huy động sẽ chưa dừng lại từ nay đến cuối năm, thậm chí lãi suất huy động 8,8% như mức ABBank áp dụng cho một số trường hợp rồi đây sẽ không còn là cá biệt.
Thị trường, bao gồm các định chế dường như đều đã dự đoán được thời điểm gỡ “nút thắt” sức ép khi lãi suất sẽ phải được nâng lên, nới ra, nếu không thì nói như các chuyên gia là “ giữ căng quá sẽ tạo bất lợi cho kinh tế vĩ mô”. Dù vậy, mức nâng lãi suất với tốc độ tăng mạnh 100 điểm cơ bản trong một lần sau 2 năm nỗ lực giữ yên mức lãi suất điều hành đã được điều chỉnh thấp để hỗ trợ nền kinh tế vượt COVID-19 vào tháng 9/2022 của NHNN, dường như vẫn nằm ngoài dự đoán của không ít tổ chức.
Trước đó, các chuyên gia Kinh tế Brian Lee Shun Rong & TS Chua Hak Bin, Kinh tế trưởng của Maybank Group dự báo, NHNN Việt Nam có thể sẽ nâng lãi suất thêm +25 bps vào cuối 2022. Trong khi đó, căn cứ trên áp lực lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7-8 cùng các dữ liệu đầu vào khác, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 - 70 bps sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Và cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%.
Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành chính thức thì đã diễn ra ngoài những con số trên. Liệu từ nay đến cuối năm, thị trường còn chứng kiến những linh hoạt/ bất ngờ khác?
Có thể bạn quan tâm
4 thách thức giữ ổn định tỷ giá cuối năm
05:20, 21/09/2022
“Ẩn số” tỷ giá
02:00, 14/09/2022
Lãi suất cho vay chưa thể tăng mạnh
04:00, 24/09/2022
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất: Chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch
14:42, 23/09/2022
Lãi suất tăng thêm 1% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/9
18:00, 22/09/2022