Bê tông phủ “trắng xóa” nội thành, ngoại thành nhà kính mọc lên quá nhiều khiến Đà Lạt không còn chỗ thở đã gây nên những hệ lụy cho Đà Lạt.
>>> Đà Lạt hướng đến thành phố thông minh
Trong quy hoạch tương lai, khu vực trung tâm Đà Lạt cần hạn chế xây nhà cao tầng và ưu tiên phát triển mảng xanh, bảo tồn các công trình lịch sử.
Thời gian qua, cách thức phát triển không bền vững, chỉ muốn tìm cách tối đa hóa diện tích sử dụng mặt bằng để tăng lợi nhuận, đã gây nên những hệ lụy nhãn tiền chính là câu chuyện công trình xây bờ taluy không đúng giấy phép, lại đổ một lượng đất gia tải quá lớn dẫn đến sạt lở gây nên thương vong hồi cuối tháng 6. Và cả những trận lụt liên tục những ngày qua ảnh hưởng lớn đến người dân và du lịch.
Trước đây thời kỳ Pháp xây dựng Đà Lạt, hệ thống thoát nước thải dân sinh của các khu vực công trình hai bên những đoạn đường dốc, thường có thể đấu nối vào đường ống cái thoát nước chính dẫn xuống sông hồ nên không gây ngập.
Thế nhưng, việc xây dựng chen chúc trong nội thành về sau này lại thường chỉ tập trung vào xây nhà theo tư duy mét vuông, chứ ít quan tâm nâng cấp hạ tầng tương xứng với diện tích sàn xây dựng gia tăng, nhiều nơi không có cả hệ thống thoát nước, hoặc thậm chí còn cho xây nhà đè lên cống, chặn cống, bít cống. Như vậy, hạ tầng thoát nước quá tải, mưa xuống không có chỗ thoát mới tràn lên mặt đường, tạo thành dòng lũ.
Không những vậy, địa thế của Đà Lạt chủ yếu là đồi núi, đất ở Đà Lạt thường là đất bazan, khi có dòng nước lũ chảy mạnh, sẽ làm mềm đất, phá ta-luy, đặc biệt là những khu vực có tầng địa chất đất sét ngậm nước thì có thể sẽ xảy ra hiện tượng "trượt đất", dẫn đến nguy cơ hàng chục công trình bị trượt xuống thung lũng. Nguy cơ này có thể đang "treo" ở một số khu vực tại Đà Lạt, chưa biết sẽ xảy ra vào thời điểm nào.
Để giải quyết các vấn đề trên, các nhà quản lý đô thị Đà Lạt cần thay đổi cách tiếp cận, bài toán hiện nay là quy hoạch và thực thi, cần bảo tồn không gian xanh. Đồng thời không thể phát triển đô thị lan rộng ra khắp khu vực nội thành, nhưng lại không đi đôi với việc chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng.
Theo nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 vừa được Thủ tướng duyệt, thủ phủ du lịch tỉnh Lâm Đồng sẽ được mở rộng, gồm 6 đô thị vệ tinh, với thành phố hiện hữu là trung tâm.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng nên giao cho đơn vị tư vấn độc lập rà soát lại hết tác động môi trường của các quy hoạch chi tiết (TL 1/500) trong các khu vực có nguy cơ, ngay cả đối với các quy hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần quản lý nghiêm về diện tích bê tông hóa, nên bảo vệ các khu vực còn đảm bảo được diện tích xanh cao ít nhất là 30% và lý tưởng là 50% trở lên, có chính sách khuyến khích việc gia tăng không gian xanh mặt nước cho các khu đô thị theo hướng này.
Về việc quản lý chỉnh trang nâng cấp hạ tầng cấp thoát nước, các khu vực diện tích xanh quá thấp, bê tông hóa quá nhiều, thì vẫn phải có biện pháp đảm bảo đủ không gian dành nước thoát, ngay cả vào thời điểm mưa cực đoan cao nhất trong 100 năm, bao gồm việc tổ chức lại hệ thống đường ống cái thoát nước đủ lớn, nối ra hồ suối hoặc ra hồ điều tiết.
Đặc biệt, trước tình trạng bất lực kéo dài trong việc quản lý nhà kính phát triển tự phát, đã tới lúc cơ quan quản lý đô thị cần phải thay đổi biện pháp mạnh, ứng xử với nhà kính như một thể loại công trình cấp 4, được cấp phép dựa trên quy hoạch trình duyệt thông qua Sở Xây dựng, chứ không nên giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà kính nữa.
Chính quyền địa phương cần hướng dẫn và vận động để người dân hiểu rõ và cùng phối hợp, thấy rằng tuy nhà kính đem lại lợi ích kinh tế cho nhà nông, nhưng lại làm tăng nguy cơ ngập lụt và làm xấu bộ mặt đô thị.
TP Đà Lạt có thể xem xét triển khai yêu cầu chỉnh trang và đăng ký lại với các nhà kính theo nguyên tắc: Tỷ lệ tổng diện tích của nhà kính và công trình khác trên tổng diện tích khu đất nông nghiệp chỉ được chiếm tối đa 30%; các diện tích kính hiện hữu vượt quá tiêu chuẩn buộc phải tháo dỡ để chuyển sang làm nông nghiệp ngoài trời; mọi công trình nhà kính phải đi kèm việc xây dựng hệ thống thoát nước ngầm hoặc nổi đấu nối vào hệ thống chung.
Và cuối cùng, cần khoanh vùng những vùng nguy hiểm trong quy hoạch để quản lý chống sạt lở, đặc biệt là ven triền đồi dốc và vực liên quan ở dưới chân đồi; ưu tiên rà soát trước tác động môi trường của quy hoạch, dù đã được cấp phép hay chưa, để đưa ra ngay các giải pháp điều chỉnh kịp thời, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân, và xa hơn là bổ sung các giải pháp quy hoạch tương ứng.
Trong khu vực ven trên cao hành lang bảo vệ khoảng 30-60m của các khu vực nguy hiểm này, tốt nhất không cho phép xây dựng công trình, mà nên khuyến khích trồng lại rừng thông để làm không gian xanh bảo vệ, hoặc chỉ cấp phép cho việc xây công trình thấp 1-2 tầng với kết cấu nhẹ.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực vùng đồng bằng sông Hồng
03:00, 13/07/2023
Quy hoạch TP Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của đất nước
17:26, 11/07/2023
Vụ bị lừa vì thiếu thông tin quy hoạch tại Đồng Nai: Luật sư nói gì?
01:00, 06/07/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
21:19, 07/07/2023
Hà Nội trình phương án quy hoạch 2 Thành phố mới ở phía Bắc và phía Tây
15:12, 03/07/2023