Năm 2022 ngành tài nguyên và môi trường đặt quyết tâm cao thực hiện phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả” với các nhiệm vụ giải pháp đột phá.
Chia sẻ với DĐDN, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2022 toàn ngành phấn đấu đưa chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng lên, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm xuống.
- Nhìn lại năm 2021, toàn ngành TN&MT đã đạt được những kết quả quan trọng nào thưa Bộ trưởng?
Năm 2021, toàn ngành đã tập trung giải quyết ngay các vướng mắc, điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển; tổng kết đánh giá, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12 Nghị định, 2 Quyết định, 2 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư. UBND tỉnh, thành phố ban hành trên 420 văn bản phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường.
XEM THÊM >>> Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Tạo quỹ đất thu hút đầu tư
Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Quy hoạch phân bổ quỹ đất đã đảm bảo cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.
Đặc biệt, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường tăng 4,14% so với năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7%, phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai giảm 4%; số lượng đơn thư, khiếu kiện giảm 28% trong năm qua.
Mới đây, VCCI đã gửi đến Quốc hội báo cáo liên quan tới 26 “chồng chéo” pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Trong đó, riêng những chồng chéo liên quan đến Luật Đất đai 2013 đã chiếm tới 12 vấn đề.
- Trong năm 2021, mâu thuẫn chồng chéo pháp luật, lãng phí đất đai, vẫn là vấn đề nóng, Bộ TN&MT sẽ có những giải pháp gì để giải quyết các bất cập trên, thưa Bộ trưởng?
Đối với tình trạng lãng phí đất đai Bộ TN&MT đã quan tâm chỉ đạo, rà soát xử lý. Đến nay, cả nước đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, rà soát, thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16 nghìn ha; yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53 nghìn ha; chấm dứt chủ trương đầu tư 7,7 nghìn ha. Cơ bản hoàn thành rà soát, cắm mốc ranh giới đất nông, lâm trường ở 45/45 địa phương.
Toàn ngành TN&MT đã rà soát 440 văn bản liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản xác định 40 văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.
Với các bất cập trên, Bộ TN&MT sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền và giải quyết các chồng chéo mâu thuẫn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành sắp tới. Đồng thời đưa vào vận hành hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường, trọng tâm là cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung.
- Nhiệm vụ trọng tâm mà ngành TN&MT đặt ra trong năm 2022 là gì, thưa Bộ trưởng?
Năm 2022, nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang trở thành tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Bộ TN&MT phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổng kết đánh giá lập đề nghị sửa đổi Luật Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới luật giải quyết các vướng mắc đặt ra từ thực tiễn.
Bộ sẽ hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030; Đơn giản hóa 10 - 15% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực TN&MT; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục đủ điều kiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác quản lý TN&MT; thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, nhũng nhiễu trong quản lý TN&MT; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Có thể bạn quan tâm
Lập tổ công tác xử lý các dự án, đất đai sau thanh tra
20:00, 30/01/2022
Khơi dậy nguồn lực phát triển từ đất đai
19:00, 13/11/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ III): Minh bạch tiếp cận đất đai
14:05, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần đảm bảo tính liên kết, đồng bộ
05:00, 13/11/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ II): 4 đề xuất từ doanh nghiệp
05:00, 29/10/2021