Theo chuyên gia, việc tăng hay giảm thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt chính sách, cũng như tác động của nó đến các đối tượng nộp thuế và nguồn thu của Nhà nước.
>>Tăng thuế thu nhập cá nhân nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Việc tăng hay giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) gần đây đang tạo ra nhiều luồng ý kiến. Có người cho rằng nên tăng thêm bậc thuế với thuế suất này, nhưng có người lại cho rằng cần giảm mạnh để kích thích chi tiêu, đưa dòng tiền trở lại thị trường.
Theo đó, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế phân tích, cần giảm ít nhất 50% tiền thuế TNCN năm nay và năm sau cho người làm công ăn lương để đỡ gánh nặng thuế. Bởi thu nhập của người lao động bị sụt giảm, thậm chí mất việc làm do đại dịch mà tổng số thu từ sắc thuế này trong 11 tháng đầu năm vẫn đạt 107,7% so dự toán. Điều này cho thấy gánh nặng của chính sách thuế đối với thu nhập của người làm công ăn lương.
“Đồng thời, hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT, thuế TNCN là tiền sẽ quay trở lại thị trường ngay, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất. Việc được giảm thuế sẽ là nguồn động viên rất lớn, tạo tâm lý phấn khởi giúp người dân có thêm nguồn tài chính để mua hàng hóa, tiêu dùng, thậm chí đi ăn nhà hàng, du lịch... Chính vì vậy, số thu về tổng thể sẽ tăng chứ không giảm sau hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng chính sách thuế”, vị chuyên gia nhận định.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, số thu thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 11 tăng 7,7% so với dự toán. Mặc dù không đưa ra con số cụ thể số thu này là bao nhiêu, nhưng theo công bố dự toán ngân sách nhà nước 2021 của Bộ Tài chính, sắc thuế này là 107.796 tỉ đồng. Như vậy trong 11 tháng đầu năm, số thu thuế TNCN đã lên con số 116.096 tỉ đồng, tăng 8.300 tỉ đồng so với dự toán.
Trước đó, lý giải về phản ánh Bộ Tài chính đã “bỏ rơi” người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế TNCN cho đối tượng này. Tổng cục Thuế giải thích theo quy định của pháp luật thuế TNCN hiện hành, thì thu nhập làm căn cứ tính thuế là thu nhập người lao động thực nhận sau khi đã tính các khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo theo quy định. Với quy định đó, người lao động có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế TNCN, đối với mức thu nhập cao hơn thì sẽ tính các khoản giảm trừ theo quy định và áp dụng biểu thuế lũy tiến.
“Như vậy, khi đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công, Bộ Tài chính thấy rằng nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng sẽ chủ yếu rơi vào nhóm có thu nhập cao, điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thực tế, số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công”, Tổng cục Thuế nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Vũ Thị Thu Hiền, kế toán một công ty tại Hưng Yên cho biết, Chính phủ nên tìm phương án hỗ trợ để tất cả mọi người được hưởng, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp, cần ổn định đời sống an sinh, bởi chịu thuế thu nhập là những người có thu nhập cao, trong khi phần lớn người lao động lại có mức thu nhập dưới ngưỡng chịu thuế. Do đó, không nên tìm cách để chỉ hổ trợ cho một nhóm nhỏ.
>>Vì sao 3 người giàu nhất thế giới không đóng thuế thu nhập cá nhân?
Tuy nhiên, ở góc độ về Luật, Luật sư Trần Xoa, giám đốc công ty Luật Minh Đăng Quang chia sẻ, cần sửa đổi, bổ sung luật Thuế TNCN để tránh những bất cập tồn tại nhiều năm qua. Một số điểm cơ bản như cần tính toán lại mức khởi điểm chịu thuế tăng lên 20 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế, thu gọn 7 bậc thuế hiện nay xuống còn 4 bậc (5%, 10%, 20%, 30%) và tăng giãn cách giữa các bậc.
Theo vị Luật sư, dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn nền kinh tế và người dân. Trong khi Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giãn hoãn thuế, giảm thuế TNDN, thuế GTGT, vậy cũng nên xem xét giảm thuế cho người làm công ăn lương để hỗ trợ những đối tượng này.
Còn theo một chuyên gia kinh tế đánh giá, thuế TNCN góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, là một trong những công cụ hữu hiệu để Nhà nước huy động một phần của cải trong xã hội, để tạo ra nguồn thu cho ngân sách. Thuế TNCN cũng giúp giảm phân hóa giàu nghèo, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Nếu như các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng đánh vào các khoản chi của tất cả mọi người, thì thuế TNCN chỉ đánh vào thu nhập của những người có thu nhập từ mức khá trở lên. Tính chất lũy tiến của loại thuế này giúp thu hẹp về khoảng cách thu nhập của các cá nhân.
“Chính vì vậy, thuế TNCN góp phần giúp Nhà nước kiểm soát nguồn thu nhập và phát hiện các nguồn thu bất hợp pháp, như hối lộ; buôn bán hàng cấm; hàng trốn thuế; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Việc tăng hay giảm thuế thu nhập cá nhân cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt chính sách, cũng như tác động của nó đến các đối tượng nộp thuế và nguồn thu của nhà nước ”, vị chuyên gia nói.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 13/12/2021
17:59, 04/05/2021
15:16, 18/03/2021
00:30, 29/01/2021