Bộ Xây dựng sẽ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
>>> Vì sao khó đạt chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay?
Theo VARs, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành 75 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024 nhưng mới chỉ đạt 9,3% kế hoạch 2021-2025.
Giao dịch phân khúc NƠXH đã được cải thiện nhưng không đáng kể, tỷ lệ hấp thụ thấp đạt khoảng 40% với hơn 800 giao dịch thành công. Giao dịch chủ yếu vẫn đến từ các tỉnh thành phát triển gắn liền với phát triển công nghiệp.
Bàn về phân khúc này, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng VARs IRE cho biết: “Nhu cầu NƠXH vốn đã nóng lại càng trở lên cấp thiết khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ, gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao, việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này được coi là “chìa khóa quan trọng nhất” giúp khơi thông nguồn cung nhà ở giá bình dân.”
Dữ liệu nghiên cứu của VARs IRE cũng cho thấy, vẫn tồn tại tình trạng một số dự án NƠXH xây xong nhưng vướng mắc không bán được, khiến nhiều nhu cầu không được "khớp lệnh". Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến cả chủ đầu tư và người dân đều thiệt hại.
Theo VARs, Chính phủ, các cơ quan ban ngành cần có biện pháp hỗ trợ tích cực hơn, trực tiếp tới từng dự án cụ thể để có thể giải quyết một cách triệt để vấn đề này.
Mới đây Quốc hội đã chính thức đồng ý Luật Nhà ở 2023 có hiệu thực từ 1/8/2024, thay vì 1/1/2025 như trước đó, giới kinh doanh kỳ vọng đây sẽ là công cụ quan trọng để gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội.
Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nhận định, Luật Nhà ở 2023 sẽ khắc phục được phần lớn các điểm bất cập về tiêu chuẩn số người ở, thủ tục mua nhà ở xã hội, bên cạnh đó trong khu công nghiệp sẽ có nhà ở lưu trú cho công nhân; cho phép doanh nghiệp được mua hoặc thuê nhà cho công nhân ở... Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nhà ở xã hội, thu hút người lao động của nhiều địa phương.
>>Nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận
Về phía Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1699/BXD-QLN về việc hướng dẫn về xác định danh mục, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư (thay thế văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 của Bộ Xây dựng).
Theo đó, điều kiện vay vốn của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ cần được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; được lựa chọn là chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
"Như vậy đã lược bỏ điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng. Sau khi được công bố danh mục, chủ đầu tư dự án đảm bảo điều kiện theo pháp luật về tín dụng, cũng như thỏa thuận với các ngân hàng là được vay vốn" - ông Hoàng Hải khẳng định.
Theo ông Hải, trong thời gian nửa cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ tập trung triển khai, hoàn thiện và hướng dẫn các địa phương thực hiện các Nghị định, Quyết định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sau khi được ban hành.
Tiếp tục đôn đốc các địa phương căn cứ mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và chỉ tiêu theo phụ lục nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024, khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đề ra.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, trong đó có dự án nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.
Cùng với đó, đề xuất xem xét tăng thời hạn, hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, với thời hạn từ 10- 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội mua nhà.
Có thể bạn quan tâm