Triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ tạo được sức bật mới cho du lịch Việt Nam, duy trì sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
>>Cần cụ thể hóa các vùng liên kết du lịch
Thời gian vừa qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như Úc, Pháp, Đức, Ý, sắp tới là các chương trình tại Nga, Hàn Quốc… Còn với Thừa Thiên Huế, việc liên kết các địa phương miền Trung của Việt Nam (Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) đã đẩy mạnh công tác xúc tiến ra nhiều quốc gia, khu vực, nhất là các nước Đông Nam Á.
Ngân sách quảng bá du lịch chưa cao
Một trong những giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam là công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đón khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) hiện ngóng đợi một chương trình hành động cấp quốc gia về xúc tiến quảng bá nhằm "phá tảng băng" do dịch Covid-19 gây ra, nhấn mạnh hình ảnh du lịch Việt Nam để khách hàng nhớ đến. Đây cũng là cách mà các nước láng giềng đang đẩy mạnh để thu hút khách.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam ông Vũ Thế Bình, ngân sách dành cho quảng bá du lịch của Việt Nam hiện chỉ khoảng 2 triệu USD/năm trong khi Thái Lan trên 200 triệu USD/năm, Malaysia trên 100 triệu USD/năm, Malaysia khoảng 130 triệu USD/năm… Mặc dù Việt Nam đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, nhưng hiệu quả hoạt động từ đơn vị này chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó là những bất cập do kinh phí thấp, cơ chế phức tạp khiến công tác xúc tiến quảng bá càng khó khăn và chưa tạo ra được những hiệu ứng tiếp thị như mong đợi.
Để cải thiện “vùng trũng” này, ông Vũ Thế Bình cho rằng, cần đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm và hình ảnh quốc gia đến với du khách quốc tế thông qua các văn phòng xúc tiến ở nước ngoài. “Thái Lan có khoảng 25 văn phòng đại diện ở nước ngoài, Malaysia có 34 văn phòng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có văn phòng du lịch chính thức ở nước ngoài, khiến cho việc nắm bắt cơ hội quảng bá xúc tiến du lịch càng khó khăn hơn...” - ông Bình cho hay.
Có thể nói, Bộ VH,TT&DL đã đặt kỳ vọng vào việc triển khai Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch để qua đó thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Ý tưởng là vậy, tuy nhiên, sau nhiều năm thành lập, nguồn Quỹ này vẫn chưa cho thấy hiệu quả, cũng như chưa đáp ứng được kỳ vọng của ngành du lịch.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc nguồn Quỹ dư dả, trong khi ngành du lịch thiếu nguồn lực để tổ chức hoạt động là một nghịch lý. Do đó, đồng tình với trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành văn hóa, song nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cũng cho rằng, điều dư luận mong chờ, đó không chỉ là việc nhận diện khó khăn hay nhận lỗi, mà hơn hết, ngành du lịch cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để khai thác hiệu quả nguồn lực này cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
“Hơn bao giờ hết ngành du lịch cần được đảm bảo các nguồn lực tốt nhất để đẩy mạnh phục hồi nhanh, bền vững. Việc khơi thông nguồn Quỹ, hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch là yêu cầu bức thiết hiện nay” - Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) cho biết.
Tăng cường liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên vùng
Nhận định du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh để phát triển sản phẩm du lịch ngang bằng hoặc hơn những quốc gia trong khu vực nhưng hiệu quả và tính cạnh tranh chưa cao, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia) cho rằng, ngành Du lịch cần tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển sản phẩm đồng bộ theo hướng đa dạng, khác biệt. Cần tập trung phát triển mạnh loại hình du lịch biển gắn với hệ thống sản phẩm nghỉ dưỡng, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và thể thao biển có quy mô và chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tìm hiểu truyền thống văn hóa, lối sống địa phương; phát triển du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề kết hợp nghỉ tại nhà dân. Đẩy mạnh cung cấp loại hình sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái, khám phá hang động, du lịch núi và nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng các loại hình du lịch mới như du thuyền, caravan, du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh, du lịch chăm sóc sắc đẹp..., qua đó nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Song song với đó, du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển bền vững, trong đó chú trọng tăng cường liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên vùng; đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng tại các trung tâm du lịch và các tuyến điểm du lịch; tiêu chuẩn hóa, tăng cường giám sát và kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch nhằm đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến du lịch bền vững cả về kinh tế - xã hội, sinh thái, môi trường...
Triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo được sức bật mới cho du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực, duy trì sự phát triển bền vững để ngày càng tiến xa hơn, qua đó khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch thế giới.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 25/07/2024
00:30, 21/07/2024
02:30, 15/07/2024