Một khi tăng trưởng còn dựa vào nguồn vốn bên ngoài thì những con số hàng kỳ, hàng năm vẫn còn khó đoán.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, bên cạnh vài vấn đề để lại nỗi lo như bội chi ngân sách, mở đặc khu thì tăng trưởng kinh tế quý I/ 2018 như một điểm sáng cứu vãn cả bức tranh kinh tế - xã hội.
Con số tăng trưởng GDP 7,38% quý I/2018 cho phép hy vọng mục tiêu 6,7% của cả năm sẽ thành hiện thực. Kinh tế thế giới đương đại không có nhiều quốc gia đạt ngưỡng tăng trưởng từ 7 - 8%% trở lên, trừ “đại nhảy vọt” ở Trung Quốc cách đây hơn một thập kỷ và “thần kỳ Nhật Bản” sau thế chiến thứ II.
Trong bối cảnh bấp bênh của thị trường chứng khoán; nền nông nghiệp bộc lộ những bất ổn; công nghiệp sáng tạo chưa cất cánh; tổng quan nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI. Động lực tạo ra cú nhảy vọt GDP cao nhất trong vòng 10 năm khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
Thực ra, khởi sắc bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2017. Trong giai đoạn này nhiều nghi ngờ sẽ không đạt mục tiêu cả năm đề ra là 6,7%. Nhưng mấy tháng cuối năm bất ngờ tăng trưởng 7,65%, kéo cả năm lên 6,8%, vượt kế hoạch đề ra.
Không thể phủ nhận nỗ lực “kiến tạo” từ Chính phủ và các địa phương, hàng trăm ngàn “giấy phép con” được gỡ bỏ, niềm tin được khơi dậy từ công cuộc chống tham nhũng của Đảng. Tuy nhiên tính bền vững còn bỏ ngỏ.
Kinh tế Việt Nam mấy năm trở lại đây luôn khó đoán, bằng chứng là nhiều dự báo về tăng trưởng bị lỗi thời sau một đêm, thị trường chứng khoán lao dốc rồi bình ổn trong thời gian ngắn, nhiều kết quả được phản ánh là “bất ngờ”. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Hơn 30 năm thu hút có hơn 170 tỷ đô la vốn nước ngoài đầu tư vào nước ta, có giai đoạn khu vực FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có lý khi cho rằng tăng trưởng kinh tế hiện tại được bơm động lực từ FDI.
Có nghĩa là, sự tăng trưởng ít liên quan đến các yếu tố nội lực, như cải thiện năng suất lao động, đột phá trong sáng tạo làm chủ công nghệ. Một minh chứng là nhiều năm qua ít xuất hiện thêm những doanh nghiệp “made in Viet Nam” có vốn hóa tỷ đô như Vinamilk, Masan, Vingroup, FPT.
Ngược lại làn sóng M&A cuốn đi nhiều doanh nghiệp nội có tên tuổi, hàng Việt ngày càng thua thế trên thị trường.
Động lực chính của tăng trưởng kỷ lục quý I/2018 được xác định là công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng đến 11%. Trong cơ cấu ngành công nghiệp nước ta, những ngành năng lượng mũi nhọn như than khoáng sản, dầu thô liên tục báo lỗ.
Công nghiệp kim khí, điện tử phụ thuộc nhiều vào Samsung, Formosa, chỉ có hai ngành giữ được ổn định à Công nghiệp dệt may và Công nghiệp vật liệu xây dựng, trong đó ngành xi măng tăng trưởng ấn tượng do Trung Quốc ra tối hậu thư đóng cửa nhiều nhà máy xi măng vì ô nhiễm môi trường.
Với câu chuyện Samsung, đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi, liệu tập đoàn này có thật sự đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Con số thống kê không cho thấy điều đó.
Cụ thể, doanh thu của Samsung năm 2016 là 46,3 tỉ đô la Mỹ thì xuất khẩu là 40 tỉ Mỹ kim. Năm 2017 doanh thu 60 tỉ USD thì xuất khẩu khoảng 50 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, trung bình có khoảng 10 tỉ đô la Mỹ là doanh thu từ thị trường nội địa.
Có thể bạn quan tâm |
Tuy nhiên, trên thực tế không thể chỉ nhìn thấy những đóng góp được lượng hóa bằng đô la. Còn hàng trăm nghìn công ăn việc làm, một chuỗi giá trị công nghiệp phụ trợ được tạo ra, hơn thế nữa Samsung như “thỏi nam châm” thu hút.
Động lực tăng trưởng nhờ xây dựng có liên quan mật thiết đến cơn sốt bất động sản khắp cả nước. Đặc biệt các đặc khu sắp sửa có luật, dòng vốn lớn đổ vào thị trường, đầu cơ đất đai, dự án từ nhiều năm trước.
Với ngành xây dựng, nhiều dự án đầu tư công vẫn còn vướng mắc nguồn vốn, một báo cáo mới đây cho thấy tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 10% so với yêu cầu. Còn nhiều dự án “treo” hoặc đội vốn hoặc kém hiệu quả.
Tăng trưởng kinh tế vượt bậc là điều đáng mừng nhưng không phải không có cái lo, nhất là tính bền vững, thu hút FDI vẫn phải kêu gọi và “trải thảm” nhưng không quên tạo dựng động lực tăng trưởng tự chủ; mô hình tăng trưởng lâu nay vẫn dựa vào xuất khẩu
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 cách đây 6 tháng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: “Tăng trưởng không dựa vào dầu thô, khai khoáng và tín dụng” vì công nghiệp khai khoáng chín tháng đầu năm giảm hơn 8%, còn sản lượng dầu thô giảm khoảng 3 triệu tấn…”
Một khi tăng trưởng còn dựa vào nguồn vốn bên ngoài thì những con số hàng kỳ, hàng năm vẫn còn khó đoán.